Dân Việt Nam bỏ 500 triệu để sang Anh trồng cần sa Tuy nhiên, ba năm trước, chiếc smartphone chính là công cụ để những tên buôn người sử dụng để kiểm soát em từng li từng tí, sau khi đã dụ dỗ được Bình rời khỏi nhà mình ở thành phố Hải Phòng, tờ The Sunday Times (Anh) cho biết.

 Dù hiện đã được sống an toàn cùng với những nhân viên xã hội tại Anh, nhưng Bình vẫn luôn giữ chặt chiếc điện thoại di động bên mình như thể nó sẽ phát nổ nếu em rời khỏi nó.

Theo điều tra của The Sunday Times, rất nhiều thợ tại các tiệm làm móng tay (nails shop) Việt Nam trên toàn nước Anh là nạn nhân của các nhóm buôn người.

Một số người bị bọn buôn người buộc phải lao động không công, số khác phải đi bán dâm, để trả nợ “chi phí” mà bọn buôn người bỏ ra để đưa họ sang Anh.

Các tiệm làm móng tay này thường được dùng làm nơi rửa tiền cho các trang trại trồng cần sa ở các vùng nông thôn của Anh.

Bình được cho là từng bị bắt làm nô lệ trong một trang trại như vậy, The Sunday Times cho biết.

Tờ báo Anh biết được câu chuyện thương tâm về cậu bé Việt Nam 16 tuổi này (tức Bình) từ Trung tâm Tư vấn về nạn buôn bán trẻ em thuộc Hội Bảo trợ trẻ em (NSPCC), cơ quan đã từng làm việc với 132 trẻ em bị buôn sang Anh hồi năm 2012, với 37 em trong số đó là người Việt Nam.

Cha của Bình chết vì tai nạn giao thông khi em mới bốn tuổi và mẹ em bắt đầu phải mượn tiền từ những người cho vay nặng lãi để trang trải cuộc sống.

Những người này sau đó đến nói với mẹ Bình rằng họ biết chỗ có thể giúp Bình, khi đó được 13 tuổi, sang Anh làm việc để có tiền trả nợ.

Bình cùng một nhóm những đứa trẻ khác được nhóm này đưa sang CH Séc, rồi bị giấu vào trong những chiếc xe tải để đi một hành trình dài sang Anh, trong tình trạng đói khát và giá rét.

Trước khi được cảnh sát giải cứu hai năm trước đây, Bình bị cầm tù trong một căn nhà khóa trái ở miền bắc nước Anh.

Cậu ở một mình trong căn nhà nói trên suốt cả ngày để trông coi cây cần sa mà sau này cậu kể lại là “có mùi rất kinh khủng”.

Khi được giải cứu, Bình trông bình tĩnh, nhưng đến khi được hỏi về người mẹ ở quê nhà, người mà bọn buôn người luôn đe dọa sẽ đánh cho tàn phế nếu Bình không nghe lời chúng, thì nước mắt cậu bé tuôn lã chã.

Bình kể lại rằng trong hoàn cảnh luôn bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, toàn bộ hy vọng trốn thoát đều nhanh chóng lụi tàn.

“Khi bị dọa rằng mẹ sẽ bị giết, em gái sẽ bị cắt tay, thì em chỉ còn biết làm theo những gì được bảo và cố không nghĩ về ngày mai”, Bình cho hay.

Đóng 500 triệu đồng để sang Anh… làm nô lệ

Ban Li Va, 22 tuổi, từng là nạn nhân của một đường dây buôn người sang Anh, sinh ra tại một trong những vùng nghèo nhất Việt Nam, The Sunday Times cho biết.

Khi đang thất nghiệp vì không tìm được việc, một người bạn của Ban cho biết anh này có quen một số người biết cách làm giàu nhanh.

“Họ vẽ ra rất nhiều thứ khiến tôi nghĩ qua sống ở Anh sẽ rất tuyệt vời”, Ban nhớ lại.

Anh này sau đó thuyết phục gia đình vay ngân hàng 500 triệu đồng về nộp cho đám người này để được đưa sang Anh.

“Tôi được hứa hẹn là sau một năm làm tại Anh, tôi sẽ có thể kiếm đủ tiền để trả nợ và trợ cấp cho gia đình”, The Sunday Times dẫn lời Ban.

Ban sau đó được lên chuyến bay sang Nga, rồi từ đó anh cùng tám người khác lên một chiếc xe tải chạy sang Pháp. Chuyến đi mất gần 4 tháng.

Sau khi băng qua eo biển Manche bằng phà để qua Anh, anh được chở đến một ngôi nhà ở ngoại ô phía bắc nước Anh, rồi bị nhốt tại đó kèm theo lời đe dọa sẽ bị đánh nếu tìm cách bỏ trốn.

Công việc của Ban là chăm sóc vườn cây cần sa nằm trong căn nhà nói trên. Mùi nồng nặc của loại cây này tràn ngập căn nhà và Ban hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài.

Dân Việt Nam bỏ 500 triệu để sang Anh trồng cần sa_0

Nạn nhân thường bị giam trong những căn nhà ở vùng ngoại ôđể coi sóc vườn cần sa trồng bên trong nhà -Ảnh minh họa Reuters

“Ước ao của tôi là có thể mang lại một tương lai tươi sáng cho gia đình mình, nhưng họ không trả cho tôi một xu nào”, Ban thuật lại.

Ban bị bắt khi cảnh sát ập vào căn nhà vài tháng sau khi anh được đưa đến. Ban bị giam sáu tháng trong tù.“Cảnh sát và quan tòa xem tôi như tội phạm, mặc dù tôi có giải thích với họ rằng tôi chỉ là một nạn nhân”, anh này cho hay.

Ban cũng cho biết cảnh sát không bao giờ lần ra người chủ của trang trại trồng cần sa trong nhà và khi anh bị trục xuất về nước vào năm 2012, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ Anh có cho Ban một khoản tiền trị giá 1.500 bảng Anh, tức khoảng 50 triệu đồng, khi quay về nước, nhưng khoản tiền này chỉ đủ trả một phần lãi vay mà gia đình anh đã mượn để đóng lệ phí đi Anh.

Hiện Ban vẫn còn nợ ngân hàng trong khi gia đình thì rất nghèo.

Theo Thanhnien




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC