Sau vụ sập lan can mới đây tại Trường tiểu học Văn Môn (Bắc Ninh) một phụ huynh của học sinh bị nạn đã phải thốt lên rằng:

“Đến đứng ở lan can mà cũng sập. Nhà trường quan tâm các em như thế nào mà cơ sở vật chất xuống cấp đến vậy cũng không biết?”.

 

Hay sau cái chết thương tâm của nam sinh Trường Đại học Hutech (TPHCM), người cha của nam sinh này cũng đã thốt lên đầy đau xót, “Sao con tôi đi học mà cũng chết?”.

Đào tạo Tiến sĩ nghìn tỉ, còn tính mạng học sinh để “rơi lan can” - 0

Vụ sập trường tại trường tiểu học Văn Môn khiến 16 học sinh bị thương.

Trường học là nơi học sinh học tập, vui chơi, phát triển về trí tuệ và thể chất, thế nhưng, không biết từ khi nào trường học lại trở thành nỗi ám ảnh, trở thành nơi mà con em chúng ta đang ngày ngày “đánh cược” mạng sống. 

Nhiều bậc phụ huynh giờ đây không còn coi trường học là nơi an toàn để gửi con sau các vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua.

“Bây giờ, sao ở đâu cũng có nguy hiểm rình rập các bé, làm cha làm mẹ sao yên đây, khi con mình ở đâu cũng không an toàn”, một phụ huynh xót xa. 

“Những tưởng đến trường mỗi ngày là một ngày vui nhưng giờ đây thì sao, mỗi ngày đến trường là một ngày lo”.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi:

“Năm nào cũng đóng tiền xây dựng. Học sinh vẫn ngồi bàn cũ, lớp cũ ẩm mốc thiếu thốn trang thiết bị. Quá nghi ngờ về văn hóa "đạt chuẩn", cái gì cũng thi đua đạt chuẩn, nhưng cuối cùng mạng sống của học sinh thì bị coi nhẹ”.

Đào tạo Tiến sĩ nghìn tỉ, còn tính mạng học sinh để “rơi lan can” - 1

Vụ sập lan can trường học tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khiến 16 học sinh bị thương một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi:

Tính mạng của học sinh đang bị mang ra "đánh cược" trong những ngôi trường chờ sập, vậy tại sao các dự án đầu tư cho trường học vẫn bị "xếp xó"?

Vụ sập lan can trường học tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) mới đây khiến 16 học sinh bị thương.

Bạn đọc Nguyễn Tiến cho rằng:

“Nếu giáo viên và học sinh, phụ huynh thấy nguy cơ trường lớp có thể đổ sập thì từ chối vào dạy và học trong đó, không thể đánh đố tính mạng hàng trăm con người như thế được”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chúng ta đặt ra vấn đề xây trường xây lớp. Tai nạn đã xảy ra, mạng sống của con em chúng ta không còn dừng lại ở mức bị đe doạ nữa. Chẳng nhẽ vấn đề còn chưa bức thiết?

Lấy ví dụ về đề án 12.000 tỉ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, nên xem xét lại tính bức thiết cũng như tính thực tiễn của đề án này. Học hàm, học vị rất cần thiết cho nền giáo dục chính quy, nhưng chúng ta đã có hàng mấy chục nghìn tiến sĩ và tự chúng ta cũng thấy được chất lượng của tiến sĩ hiện nay đến đâu.

“Rõ ràng, chất lượng tiến sĩ của chúng ta hiện nay đang không tương đương với giá trị của học vị ấy hay nói cách khác là “không đáng đồng tiền bát gạo” mà chúng ta đã đầu tư”, theo ĐBQH Trung Quốc.

“Một nền giáo dục toàn tiến sĩ mà tính mạng của tương lai đất nước vẫn bị đe doạ thì tiến sĩ để làm gì?”,

bạn đọc Quỳnh Mai bày tỏ quan điểm. 

“Dự án đào tạo “tiến sĩ giấy”, những công trình nghìn tỉ, còn tính mạng học sinh lại để rơi lan can”.

Mất bò mới lo làm chuồng” thế mà ở đây tai nạn được báo trước rồi, vẫn chẳng ai lo. Tai nạn xảy ra rồi thì đi truy trách nhiệm thuộc về ai? Cái đó để làm gì? Vì cuối cùng, tôi vẫn không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm cả?”, bạn đọc Trần Thắng bức xúc.

Nguồn: Báo Lao Động

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC