Cáo trạng cáo buộc, bị can Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên - thiếu trách nhiệm dẫn đến doanh nghiệp khai thác lậu hàng triệu tấn than.

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 33 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong vụ án than lậu xảy ra ở tỉnh này.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên - là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường. Đồng thời, bị can còn là trưởng đoàn phụ trách kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.

Bị can Giang ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản. Giang không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên đoàn theo quy định.

1 Dau Hieu Bao Ke Than Lau Cua Pho Giam Doc So Tn Mt Thai Nguyen

Các đối tượng từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh, Hà Anh Tuấn, Bùi Mạnh Cường, Ngô Đăng Hải, Ngụy Quang Thuyên, Doãn Thị Định, Bùi Hữu Thương, Bùi Hữu Khoa, Đỗ Thị Luyến, Nguyễn Tuấn Anh (Ảnh cơ quan công an cung cấp).

Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước xác định công ty khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra. Bị can không chỉ đạo đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu Công ty Yên Phước cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định pháp luật. Từ đó không xác định được sản lượng khoáng sản thực tế Công ty Yên Phước đã khai thác.

Kết quả kiểm tra đã phát hiện Công ty Yên Phước có 3 vi phạm: Thất lạc mốc giới II; Chưa cung cấp được bản đồ mặt cắt hiện trạng từ khi đi vào hoạt động cho đến thời điểm kiểm tra; Chưa cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

"Theo quy định tại Điều 39, Khoản 2, Khoản 3 Điều 50 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ, các vi phạm này phải bị phạt tiền 90,5 triệu đồng đến 151 triệu đồng, nhưng Nguyễn Thế Giang đã không đưa vào kết luận kiểm tra ngày 26/4/2019", cáo trạng nêu.

Cáo trạng kết luận, Nguyễn Thế Giang đã chỉ đạo việc kiểm tra đối với Công ty Yên Phước và thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đã thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản của Công ty Yên Phước. Từ đó dẫn đến không phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác trái phép khoáng sản, để Công ty Yên Phước tiếp tục thực hiện hành vi khai thác than trái phép, gây thất thoát hơn 1,6 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm, giá trị hơn 174 tỷ đồng; và hơn 1,5 triệu tấn than khai thác trái phép, bị phát hiện, thu giữ.

Hành vi của Nguyễn Thế Giang phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điểm c, Khoản 3, điều 360 Bộ luật Hình sự.

Như đã đưa tin, VKSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố 33 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên trong vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, mua bán trái phép vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, mua bán trái phép hóa đơn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại mỏ than Minh Tiến, Thái Nguyên.

Theo đó, bị can chủ mưu trong vụ án được VKSND tối cao xác định là Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Yên Phước. Linh chỉ đạo cấp dưới khai thác, "phù phép" việc chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ than Minh Tiến với số lượng hơn 3 triệu tấn, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép. Nhiều hoạt động sổ sách giấy tờ khác cũng được Linh và đồng bọn thực hiện nhằm che giấu hành vi vi phạm.

Hỗ trợ đắc lực cùng Linh là hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang bị truy tố về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép hóa đơn. Giang và Thanh cũng góp vốn vào Công ty Đông Bắc Hải Dương.

Với sự giúp sức của hai anh em Thanh và Giang, Linh đã thực hiện trót lọt việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt hàng chục lần so với sản lượng được cấp trong giấy phép, thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng. Để hợp thức hóa số than khai thác trái phép được, nhóm của Linh đã mua bán trái phép hóa đơn.

Cùng truy tố trong vụ án còn có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Với sự làm ngơ, góp sức của những cán bộ tha hóa, biến chất này, nhóm của Linh đã thực hiện trót lọt những vi phạm trên.

Một trong những bị can được nhắc tới trong cáo trạng là Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Dù được giao nhiệm vụ song Giang không tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước. Giang gần như chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước và không chỉ đạo kiểm tra thực tế, dẫn tới công ty trên "ăn" hàng triệu tấn than trái phép.

Cùng với đó, nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng bị xác định thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC