"Đau ruột" vì mất trăm tỷ bởi lý do trên trờiĐa số các cổ đông là người sau cùng biết đến những cú sốc DN bỗng dưng được mất cả trăm tỷ đồng cho dù đi kèm theo các thông tin này thông thường là hiện tượng giá cổ phiếu biến động dữ dội.

 Bỗng dưng mất tiền

Không trụ được ở mức 71.000 đồng, cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh sáng 23/10 lại giảm xuống còn 70.000 đồng/cp. Chỉ trong 3 tuần qua, cổ phiếu BMP đã giảm gần 12%. Tính cho hơn 45 triệu cổ phiếu BMP đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh đã giảm khoảng 400 tỷ đồng.

Cổ phiếu BMP giảm giá trong bối cảnh lợi nhuận 9 tháng đầu năm của DN này khá tích cực, tăng 9,5% so với cùng kỳ và sức ảnh hưởng của các sản phẩm của DN tại thị trường miền Bắc vẫn đang tăng lên.

Nguyên nhân chính dẫn tới đợt suy giảm giá mạnh hiếm thấy ở cổ phiếu này có lẽ chính là từ cái "trát" truy thu thuế và phạt 117 tỷ đồng do Cục Thuế TP.HCM không công nhận ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2006 của BMP.

Cũng giống như BMP, PGC đã đăng ký giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong năm 2009 và 2010 do được ưu đãi thuế TNDN đối với tổ chức niêm yết trong giai đoạn 2004-2006. Tuy nhiên, kết luận của Tổng cục Thuế cho rằng PGC không được hưởng ưu đãi này và số tiền truy thu là 11 tỷ đồng, "ăn" vạt một phần khá lớn lợi nhuận 2012 của DN này.

CII và BHS cũng rơi vào tình cảnh tương tự và phải truy nộp tương ứng 12 tỷ và 22,2 tỷ đồng trong năm vừa qua do những thay đổi theo quyết định của cơ quan thuế.

Không buồn phiền vì thuế như các DN nói trên, nhưng nhiều cổ đông của các DN khác cũng đã có lúc chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm thảm hại do những tai ương từ trên trời rơi xuống.

Hôm 23/8 vừa qua, tổng giá trị vốn hóa của Vinamilk bốc hơi gần 6.000 tỷ sau phiên giao dịch lịch sử. Cổ phiếu VNM giảm giá mạnh trong bối cảnh đã tăng khá nhiều kể từ đầu năm và có những thông tin thất thiệt liên quan đến sản phẩm của DN. Vinamilk sau đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật và giá cổ phiếu đã tăng trở lại nhưng không ít NĐT đã bán ra và chịu thiệt thòi.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến nhiều cổ phiếu dính sốc và giảm giá rất mạnh như trường hợp cổ phiếu ACB sau thông tin mất tiền liên quan tới vụ "bầu Kiên"; vụ STB liên quan tới mua bán thâu tóm lịch sử trong ngành ngân hàng; hay cổ phiếu HAG liên quan tới cáo buộc phá rừng; cổ phiếu HPG liên quan tới việc mất tiền trong vụ bầu Kiên...

Khó trăm đường

Không chỉ gồng mình để gánh những khoản lãi vài chục phần trăm/năm trong các năm qua, gồng mình để giảm tồn kho và cạnh tranh với hàng giá rẻ từ các nước, rất nhiều DN trong nước và đứng đằng sau đó là các cổ đông còn nơm nớp lo sợ về những thay đổi bất ngờ những hiểm họa cũng bất ngờ có thể khiến DN thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trường hợp BMP, nếu phải nộp lại gần 120 tỷ đồng tiền thuế và phạt, dòng tiền của DN này chắc chắn bị ảnh hưởng. Cho dù hoạt động kinh doanh của BMP được đánh giá vẫn sẽ ổn định nhưng lợi nhuận của DN sẽ tụt giảm ngay trong quý IV này.

Với BMP hay SCD, PGC, S99..., có lẽ có một phần lỗi chủ quan do DN chưa hiểu rõ luật ưu đãi thuế. Tuy nhiên, theo các văn bản giải trình, họ không làm sai hoặc cố tình làm sai và có thể mấu chốt là ở rủi ro chính sách.

Cú sốc trăm tỷ ở BMP cho thấy một thực tế rằng các DN Việt đang chịu thêm khá nhiều áp lực, không chỉ phải vật lộn để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, phải vật lộn với hệ thống hành chính còn nhiều phiền nhiễu, mà còn phải chống đỡ với rất nhiều những rủi ro từ trên trời rơi xuống, trong đó có rủi ro chính sách.

Với các DN "đại gia", những cú sốc này có lẽ không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, với các DN nhỏ hơn, đặc biệt các DN đang chìm ngập trong khủng hoảng, chưa có cơ hội ngoi lên bờ thì những cú sốc này càng khiến họ chìm xuống.

S99 là một ví dụ. Trong 2 năm qua, DN này có lợi nhuận rất khiêm tốn, 320 triệu đồng cho năm 2011 và 2,1 tỷ đồng cho 2012. Yêu cầu hoàn trả gần 2,8 tỷ đồng tiền thuế và còn phạt hành chính thêm hàng trăm triệu đồng đúng là một "đòn trời giáng".

Điều đáng nói, hoạt động của các DN giờ đây liên quan tới rất nhiều cổ đông. Thành phần các cổ đông cũng thay đổi liên tục nhờ thông qua TTCK. Với những "trát" truy thu bất ngờ như nói trên, nếu có đúng thì cũng có không ít cổ đông vẫn cảm thấy thiệt thòi bởi họ là người cầm nắm các cổ phiếu đang bị giảm giá, trong khi các cổ đông nắm giữ cổ phiếu thời kỳ trước lại không bị ảnh hưởng bởi điều này.

Theo VEF.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC