Bất ngờ phát hiện mắc nợ tiền triệu dù đã ngưng dùng thẻ ngân hàng hơn 10 năm
Mở thẻ tận nhà, đóng thẻ ngân hàng không cho hủy từ xa
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Huy kể: "Tôi mở thẻ ATM của ngân hàng T. Sau khi không sử dụng hơn 1 năm, tôi tìm ứng dụng của ngân hàng T. để đóng thẻ nhưng không có. Gọi đường dây nóng thì ngân hàng kêu mang căn cước công dân lên trực tiếp trụ sở".
Dưới bài viết Bỏ dùng thẻ rất lâu, nhiều người tá hỏa vì ngân hàng 'âm thầm' thu phí, ghi nợ, tài khoản tran****@gmail.com bình luận: "Mở thẻ thì nhân viên ngân hàng đến tận nhà, miễn phí, nhưng muốn đóng tài khoản thẻ thì phải ra phòng giao dịch làm yêu cầu để họ còn thu được khoản "phí yêu cầu đóng tài khoản" và các phí khác. Ngân hàng không đóng thẻ miễn phí qua email hay điện thoại".
Bạn đọc Vĩnh Hưng viết: "Tôi có sử dụng thẻ ATM của một ngân hàng. Sau khi họ trừ hết 50.000 đồng cuối cùng (phí duy trì thẻ), tôi đến ngân hàng để hủy tài khoản ngay thời điểm tài khoản của tôi còn 0 đồng thì họ bảo tài khoản hết tiền nên phải nộp 50.000 đồng vào thẻ mới khóa được.
Nộp tiền xong, tôi đề nghị ngân hàng xác nhận hủy tài khoản bằng văn bản nhưng họ từ chối, họ chỉ xác nhận bằng miệng thôi. Muốn khóa thẻ mà cũng khó ghê".
Thêm một rắc rối thủ tục khi đóng thẻ ngân hàng được bạn đọc Nguyên chia sẻ: "Có những thẻ được mở theo khu vực cơ quan chỗ A, nhưng khi khách hàng chuyển đi chỗ mới, ngân hàng bắt buộc phải về khu vực cũ để đóng thẻ.
Trong trường hợp cùng thành phố, hai tỉnh gần nhau thì dễ, nếu ở xa nhau như TP.HCM với Đắk Lắk thì cũng khó được ngân hàng hỗ trợ đóng thẻ từ xa. Rồi nợ thẻ phát sinh không báo cho khách hàng luôn".
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn đọc Thuy Hoa kể: "Mình đã gọi điện thoại lên báo đóng thẻ năm 2022 nhưng đến tháng 4-2023 vẫn nhận được thông báo phí thường niên 300.000 đồng. Phải trực tiếp đến ngân hàng hỏi thì được trả lời trong lịch sử cuộc gọi không thấy và kêu mình làm đơn đợi giải quyết.
Phát ngán nên mình đành đóng 300.000 đồng và yêu cầu đóng thẻ. Vừa rồi đầu năm 2024 ngân hàng gởi mail và tin nhắn thông báo sao kê tài khoản thẻ. Tức không chịu được".
Cần quy định rõ thời gian ngân hàng phải đóng thẻ rác
Vào năm 2020, Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 47/2014, trong đó có điều khoản các ngân hàng phải thu hồi, loại bỏ hoặc vô hiệu hóa tài khoản trong sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động trong thời gian tối đa 90 ngày.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định về loại bỏ thẻ rác, tài khoản rác. Vì vậy nhiều độc giả đang chờ câu trả lời mang tính giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trước bất cập này.
Bạn đọc Mai Anh đặt câu hỏi: "Tại sao nhà mạng chủ động khóa sim nếu sim đã lâu không hoạt động, còn ngân hàng không làm điều đó? Phải chăng kẽ hở này của Ngân hàng Nhà nước đã bị các ngân hàng lợi dụng để móc túi người dân?".
Tương tự, bạn đọc Dinh Loan lấy ví dụ: "Nếu khách hàng sử dụng điện, nước mà không thanh toán phí đúng hạn thì sẽ bị cắt ngay lập tức. Ngân hàng cho khách hàng mở thẻ nhưng nếu khách hàng không giao dịch và không nợ ngân hàng thì sau một thời gian nhất định ngân hàng phải hủy thẻ".
"Cần chấm dứt ngay việc ngân hàng âm thầm tính phí khi chủ thẻ không còn sử dụng nữa. Ngân hàng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ thẻ nếu sau 3 tháng khách hàng không giao dịch" - bạn đọc Ngân Hà kiến nghị.
Đồng tình, bạn đọc Đăng Khoa có ý kiến: "Cần thiết điều chỉnh quy định cho các ngân hàng tự đóng những thẻ không sử dụng trong 3-6 tháng. Áp dụng cách như các nhà mạng đang làm".
Theo tài khoản COC, các ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng văn bản, email hoặc gọi điện xác minh để khóa những thẻ không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.
Bạn đọc Lan góp ý thêm: "Nên có quy định bắt buộc các ngân hàng gửi thông báo hỏi khách hàng có đóng tài khoản và hủy thẻ sau khi không phát sinh giao dịch trong 1 năm hay không.
Nếu duy trì tiếp sẽ tính phí ghi nợ ra sao, sau đó khách hàng xác nhận bằng trả lời tin nhắn điện thoại. Không thể cho phép ngân hàng tính phí đến âm vô cực như vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỉ đồng vừa rồi".
CÔNG DŨNG (TỔNG HỢP)
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online