Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi đáp lo ngại của đại biểu Quốc hội về hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm trước khi được vay vốn.

  • Đi vay gặp khó: Vừa cõng lãi vay, vừa “bị ép” mua bảo hiểm
  • Gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife: Chuyển sang cơ quan điều tra

1 De Nghi Cam Ngan Hang Ep Nguoi Vay Mua Bao Hiem Thong Doc Ngan Hang Noi Gi

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 10/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 10/6, Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Ít phút trước phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội. So với nhiều nội dung khác thì báo cáo này được hoàn thành khá muộn, đại biểu không có thời gian nghiên cứu.

Theo đó, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các hành vi bị cấm như môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… là những hành vi gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua.

Trả lời đại biểu, bà hồng cho biết về hành vi môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định, hiện nay theo quy định tại Dự thảo thì các tổ chức tín dụng không được môi giới trái phiếu.

Về hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trả lời hiện nay, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Cụ thể, điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng có quy định xử phạt đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Như vậy, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định xử lý đối với các hành vi ép buộc mua bảo hiểm. Khi tổ chức tín dụng ký kết dịch vụ đại lý bảo hiểm, cung cấp sản phẩm bảo hiểm phải đảm bảo tuân thủ cả pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng phải thông báo công khai quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.

Bà Hằng cho rằng việc không thiết kế một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định rải rác trong các điều, khoản, như ý kiến của đại biểu, là do số lượng các quy định này tương đối nhiều và đang được quy định tại từng điều khoản cụ thể phù hợp với kết cấu, phạm vi điều chỉnh của các chương mục. Cách quy định này đảm bảo rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện.

Do đó, dự thảo Luật không quy định hành vi bị cấm thành một điều riêng. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan khác để rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định này tại dự thảo Luật.

Dưới bài viết của báo Thanh niên về nội dung trên, độc giả Lien Pham để lại bình luận như sau: “Xem ra rất khó, bởi bản thân các vị lãnh đạo còn chưa xác định được ranh giới giữa bảo hiểm và ngân hàng thì mong gì mọi chuyênh rành mạch. Lợi nhuận khủng từ bảo hiểm được ăn chia cho ngân hàng đã làm họ hoa mắt rồi thì giải quyết thế nào được ?”

Độc giả RANG PHAN viết: “Không mua thì ngân hàng lại hẹn, chưa có đủ hồ sơ, số tiền vay ít lại…”

Một độc giả giấu tên bình luận: “Ngân hàng ép người dân vay tiền phải mua bảo hiểm mới cho vay. Thống đốc có biết việc này không? Câu trả lời của Thống đốc NHNN chưa thỏa đáng. Tôi vay 600tr, ngân hàng ép mua bảo hiểm 50tr đó.”

Độc giả có tên Trần Thanh Liêm để lại ý kiến: “Qua trả lời về trách nhiệm của ngành trong việc liên đới và hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm Thống đốc đã viện dẫn bằng quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Thiết nghĩ với vai trò là Ngân hàng của Ngân hàng, nên chăng Thống đốc phải dựa trên quy định pháp luật về Luật Ngân hàng và tổ chức tín dụng hiện hành để thấy rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của hệ thống mình đang điều hành nền tiền tệ. Tránh nhập nhằng khi lý giải văn bản pháp luật bằng cách thoát ly trách nhiệm của mình bằng một văn bản pháp lý kiểm tra hành vi ngoài nhiệm vụ, chức năng của mình.”

Khánh Vy (t/h)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC