Đẻ thuê – nhìn trực diện từ khía cạnh pháp lý và đạo đức  Đường dây gây xôn xao dư luận về việc đua các cô gái Việt Nam sang Thái Lan tự nguyện và bị ép làm “nghề” đẻ thuê chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại rất bất ngờ với “tâm sự” của một phụ nữ đã 40 tuổi, nhận mình có 20 năm trong “nghề” đẻ thuê. Điều đó có nghĩa là hành vi đẻ thuê ấy đã thành một “nghề”, được một bộ phận người phụ nữ tự nhiên “ưa chuộng” ?!

 Đây có thể là một cú đánh mạnh vào hệ thống pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Vấn đề đặt ra là người phụ nữ làm “nghề” đẻ thuê ấy có vi phạm pháp luật không? Những sự việc phát sinh xung quanh người đàn bà “đẻ thuê đã 20 năm” ấy có bị coi là vi phạm pháp luật không và xử lý như thế nào?

Điều trớ trêu quanh những “hợp đồng đẻ thuê”
 
Hoàng Đặng Trần Vũ – một cái tên sáng giá trong kinh doanh bất động sản Sài thành, thực chất là gay. Thế nhưng, gay Vũ vẫn thích có con, dù không muốn lấy vợ – với giải thích “rất tình” rằng, sợ làm khổ người ta. Vũ đã thực hiện một “hợp đồng” viết bằng tay, thuê một cô sinh viên mới ra trường, với giao kèo cô phải “đẻ giúp” một đứa con (trai hay gái không thành vấn đề). 500 triệu đồng là cái giá Vũ dành bồi dưỡng riêng cho cô gái và chi phí tất thảy những gì phải chi khi cô gái này mang thai, sinh nở.
 
Vũ đã toại nguyện khi “nhờ” cô gái này đẻ thuê. Đứa trẻ kháu khỉnh, khoẻ mạnh làm người mẹ trẻ không muốn trả con và có thể vì muốn níu kéo- cô muốn Vũ động lòng trắc ẩn để yêu và cưu mang mìn. Vũ lạnh lùng khẳng định “hợp đồng” đã ký, không thể không trao trả con, nếu muốn giữ con để nuôi, phải bồi thường “hợp đồng” 1 tỷ đồng. Người mẹ trẻ này lấy đâu ra tiền để bồi thường và không có kinh phí cấp từ Vũ, cũng lấy đâu tiền nuôi con, đành ngậm ngùi chấp nhận dứt áo ra đi, tự phải xoá bỏ tình mẫu tử và huyết thống của mình.
 
Rao bán tinh trùng – tức con giống – đối với người đàn ông và đẻ thuê đối với phụ nữ hiện nay đang là những dịch vụ nở rộ. Tất nhiên, nó diễn ra bằng một “kênh ngầm”, mọi giao dịch chỉ mang tính cá nhân với những tờ giấy viết tay (có thể là đánh máy) – được coi là cam kết, đảm bảo duy nhất. Đó thực sự là những giao dịch bất hợp pháp. Những mảnh đời bất hạnh của phụ nữ – làm “nghề” đẻ thuê và những người đàn ông cho con giống, tự xưng là “làm phúc” được đẩy lên tới mức quá đà để lấy được lòng thương và nước mắt của dư luận nhằm che lấp hành vi vi phạm pháp luật của đôi bên. Người phụ nữ làm “nghề” đẻ thuê nào cũng có hoàn cảnh éo le, cũng yêu con nhưng… vì cả trăm lý do mà phải trả con. Người đàn ông cho con giống nào mà không tự bao biện rằng: Cứu vớt hạnh phúc cả gia đình người khác, mang tương lai đến cho họ. Thật ra, bên trong cái tình thương, sự éo le và “làm phúc” ấy là tiền bạc, là sự mặc cả ít nhiều, có thể là sự mâu thuẫn giằng xé nhưng cũng có thể là một cái tặc lưỡi  để có tiền cho một cuộc chơi… Những đứa trẻ được sinh ra từ những người mẹ, ông bố như vậy, sẽ thế nào khi tồn tại trong cuộc đời này?
 
Phát triển có “tính cung – cầu nhưng lại bất hợp pháp”
 
Khi người phụ nữ tên H (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) đăng đàn, tự xưng là có 20 năm làm “nghề” đẻ thuê đã dấy lên làn sóng tranh cãi về pháp lý và đạo lý rất lớn trong dư luận. Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hoà Bình cho biết: Nếu người phụ nữ đó bị lừa ra nước ngoài, bị ép buộc đẻ thuê thì có thể thông cảm được. Bởi khi người phụ nữ ở trong tình trạng thân cô, thế cô mà phản đối sự ép buộc của tội phạm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Họ phải thực hiện hành vi vi phạm  - đẻ thuê – trong điều kiện bị ép buộc, về đạo đức, đạo lý làm người, có thể cảm thông được. Song, một phụ nữ lành lặn, khoẻ mạnh, có đầy đủ các yếu tố về thể chất, tinh thần của một người bình thường mà không tự làm việc chân chính, nuôi thân mà vì một lý do tự cho là “sốc” (lỗi đó do mình tực chuốc lấy) hành “nghề” đẻ thuê để mưu sinh, để tồn tại thì phải lên án, vì vi phạm đạo đức của con người, phải xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Luật gia Nguyễn Văn Lợi – nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Luật gia Việt Nam phân tích: Đẻ thuê hiện là từ dùng chung cho cả hai trường hợp hiện nay. Thứ nhất, đó là lấy tinh trùng, noãn của chồng  - vợ  cấy vào cổ tử cung của người phụ nữ khác, nhờ người này mang thai giúp, rồi sinh nở. Trường hợp thứ hai là người vợ vô sinh, người chồng mua noãn của một phụ nữ khác phối với tinh trùng của mình, rồi thuê chính người phụ nữ ấy mang thai, đẻ con. Với trường hợp thứ nhất, “hợp đồng” đẻ thuê này đơn giản hơn, ít ràng buộc và chi phí cũng không lớn lắm. Bởi, người phụ nữ chỉ đơn thuần là đẻ thuê đúng nghĩa chứ không cùng huyết thống với con. Với trường hợp thứ hai, cũng bị gộp vào là đẻ thuê nhưng thực chất có huyết thống của người mẹ. Dù ở trường hợp nào thì những giao dịch liên quan đến việc đẻ thuê đều vi phạm pháp luật, đều vô hiệu trước pháp luật. Cô H, người tự xưng danh đã hành “nghề” đẻ thuê được 20 năm có hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, cần bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tức là hành vi của cô H đã trái với các quy định của pháp luật.
 
Theo tiến sỹ Nguyễn Sỹ Nghị – giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội thì, đẻ thuê là dịch vụ đang phát triển ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan và nhiều nước khác trên thế giới. Người ta có thể chi nhiều chục nghìn USD để có con và “thưởng” rất hậu cho người đẻ thuê có trình độ đại học, cao đẳng và sinh ra trong gia đình truyền thống, gia giáo. Việc đẻ thuê, về bản chất không khác với hành vi mua bán trẻ sơ sinh – hành vi này bị pháp luật cấm. Nhưng mua bán trẻ sơ sinh thì hành vi thể hiện rõ còn hành vi đẻ thuê được thực hiện trong bóng tối, với những giao dịch riêng tư – bất hợp pháp, mang tính xã hội đen của thế giới ngầm. Tóm lại, tất cả những giao dịch trong việc đẻ thuê, thuê đẻ đều bị pháp luật nghiêm cấm. Cô H nào đó cần bị xử lý trước pháp luật vì hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại cho xã hội và là cơ sở nảy sinh những trách nhiệm pháp lý về sau.
 
Luật sư Hà Đăng – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Tất cả những văn bản quy phạm pháp luật đều có mẫu hướng dẫn, mẫu quyết định, mẫu thông tư, mẫu hợp đồng... Chắc chắn, những giao dịch trong “hợp đồng” đẻ thuê là vi phạm về hình thức văn bản và bản chất sự việc – vi phạm hình sự. Trong quá trình phát triển của xã hội, có những nghề mới phát sinh nhưng đó là nghề hợp pháp. “Nghề” đẻ thuê cũng phát sinh trong một xã hội phát triển có tính cung – cầu nhưng lại bất hợp pháp. Từ trước đến nay, pháp luật quy định xác định cha cho con chứ chưa có quy định, xác định mẹ cho con. Bởi mẹ là người đẻ ra con, không cần phải xác định. Song, trong trường hợp cấy tinh trùng, noãn của người khác vào cổ tử cung thì chuyện xác định mẹ cho con trở thành vấn đề pháp luật tranh cãi. Người mẹ này không có huyết thống với con nhưng lại nuôi thai nhi trong cơ thể mình. Theo luật, dù đứa trẻ không có huyết thống với người mang thai, nhưng khi chào đời, quan hệ dân sự giữa trẻ và người sinh ra trẻ (người đẻ thuê) vẫn là quan hệ mẹ ruột - con ruột. Nếu phụ nữ “nhờ” người khác đẻ thuê thì yêu cầu xác nhận mẹ cho con trong trường hợp này quả không đơn giản, vì pháp luật thì đương nhiên quy định, người đẻ ra là mẹ. “Trong trường hợp này, theo tôi, cả người đẻ thuê, thuê đẻ đều vi phạm pháp luật, đều bị lên án về mặt đạo đức” – luật sư Hà Đăng cho hay.
 
Theo Nguoiduatin.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC