Cô Hoàng Thị Mỹ Hương, giáo viên Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) là một trong những giáo viên được Sở GD&ĐT Hà Nội bồi dưỡng để nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho nhà giáo. Theo cô Hương, song song với đứng lớp, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng, học hỏi là rất cần thiết để nâng cao chất lượng các giờ dạy.
Trên thực tế, cô nhận thấy học sinh hiện nay dành nhiều thời gian, tâm sức cho Toán, Ngữ văn và ít thời gian cho ngoại ngữ. Chương trình trên lớp 45 phút/tiết cũng không đủ thời gian để cô trò tăng tương tác, thực hành. Ngoài ra, sĩ số học sinh/lớp cao cũng là trở ngại lớn để giáo viên có điều kiện tương tác với từng học sinh. Nhà trường đã kết hợp các trung tâm ngoại ngữ tăng tiết cho học sinh học thực hành nhằm bổ sung phần khuyết trong chương trình.
"Ngoài ra, để học sinh có "sân" thể hiện năng lực, nhà trường đã mở thêm các câu lạc bộ, tập hợp những em yêu thích môn học cùng trao đổi, học tập", cô Hương nói.
Học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội trong giờ học tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đứng lớp
Tại Hà Nội, các trường học được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại nhưng hiện vẫn vấp khó khăn, đó là thiếu giáo viên, thiếu phòng học chức năng dành cho môn ngoại ngữ.
Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông nói, theo chương trình mới, nhà trường cần tới 5 giáo viên mới đảm bảo dạy 4 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh từ lớp 3-5. Thực tế, trường mới chỉ có 2 giáo viên biên chế và đang hợp đồng thêm 2 giáo viên để tự co kéo.
"Nếu đặt mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, điều kiện cần là cơ sở vật chất phải có đủ phòng học chức năng với trang thiết bị dạy học cần thiết. Ngoài giáo viên Việt Nam, cần có giáo viên bản ngữ để học sinh được học nghe, nói chuẩn; chương trình học tiếng Anh cũng phải tăng thời lượng. Hiện nay với 4 tiết tiếng Anh/tuần, học sinh mới chỉ học, vận dụng ngữ pháp và một phần đọc, chứ chưa có thời gian để luyện nghe, nói", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, nhà trường có 4 phòng học chức năng, thuận lợi cho giáo viên ngoại ngữ dạy bộ môn này, nhưng ở những địa phương khó khăn, thiếu giáo viên trầm trọng thì còn phải phấn đấu dài hơi.
Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại Hà Nội cũng chia sẻ, ở trường tư thục, sĩ số dưới 35 em/lớp và thời lượng học tiếng Anh được bố trí từ 8-15 tiết tùy từng trường là điều kiện thuận lợi để học sinh học ngoại ngữ. Trong khi đó, ở trường công lập, không ít trường vẫn có sĩ số hơn 50 em/lớp thì hiệu quả dạy Ngoại ngữ không đáng kể. Kể cả trường có liên kết với trung tâm ngoại ngữ nhưng lớp quá đông, trên lớp giáo viên không tương tác được hết học sinh, do đó không nắm được năng lực, thái độ học tập để có nhận xét hay yêu cầu phụ huynh hỗ trợ ở nhà.
Khó chồng khó
Năm 2022, Bộ GD&ĐT và Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và năng lực công tác khảo thí cho hệ thống giáo dục Việt Nam. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Viện Khảo thí Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh để triển khai nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là rất đúng đắn tuy nhiên cần có lộ trình, bước đi, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để các cơ sở phấn đấu. Tại địa phương, chất lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT môn ngoại ngữ những năm qua chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là trước đây hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, chương trình học chưa đồng bộ, tỉnh có tỉ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Hiện nay, học sinh từ lớp 3 trở đi đã được học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo chương trình mới, một số huyện vùng thuận lợi đã liên kết để dạy tiếng anh cho học sinh lớp 1-2… Trường học các cấp đáp ứng 70% số phòng học có tivi, được kết nối mạng internet… đảm bảo điều kiện dạy học. Sở GD&ĐT Quảng Trị đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có chất lượng ngoại ngữ. Một số trường có nhiều điểm trường lẻ vẫn gặp khó khi bố trí giáo viên.
Nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái… cũng thiếu trầm trọng giáo viên môn Ngoại ngữ và không đủ nguồn tuyển dụng. Để đảm bảo chương trình, những năm qua, một số địa phương như: Hà Nội, Lâm Đồng, Nam Định còn cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh ở vùng cao. Tuy nhiên, phương pháp dạy học trực tuyến cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ địa phương tuyển dụng được giáo viên dạy trực tiếp.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT