Người đưa thông tin lên mạng xã hội phải có ý thức xây dựng văn hóa thông tin. Khi ấy, thông tin mới chắc chắn, không mang tính bêu xấu, kích động...
Mạng xã hội không phải địa chỉ tố cáo
Theo đề xuất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, các cơ quan chức năng chỉ nên tiếp nhận đơn tố cáo bằng đơn và gửi trực tiếp, không nên bổ sung hình thức gửi qua fax hay email.
Ông cũng đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, với mục đích hạ thấp uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân.
Bình luận về đề xuất này, ĐBQH Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện nay mạng xã hội đã trở nên phổ biến và là một hiện tượng xã hội không ngăn cản được.
Vấn đề ở chỗ, người đưa thông tin lên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về thông tin đó.
Thông tin này không được mang tính chất đả kích, hằn thù, kích động, bêu xấu... mà phải mang tính xây dựng, phát triển một xã hội dân chủ, công khai và minh bạch mọi vấn đề, đồng thời nhằm xây dựng một nét đẹp văn hóa về thông tin.
Xem thêm:
Bên cạnh đó, không thể cấm được chuyện người dân đưa đơn tố cáo, bởi tố cáo là quyền của người dân.
Tuy nhiên, tố cáo phải gửi tới địa chỉ theo đúng hướng dẫn của pháp luật.
"Mạng xã hội không phải là một địa chỉ tố cáo. Địa chỉ tố cáo là nơi có cơ quan tiếp nhận nó và người tố cáo phải gửi cho đúng. Những nội dung đưa lên mạng xã hội không phải là tố cáo mà là thông tin chia sẻ vì nó phù hợp hơn với văn hóa thông tin của một xã hội phát triển lành mạnh.
Diễn đạt trên mạng xã hội cũng khác với diễn đạt của đơn tố cáo.
Người tố cáo không thể chép nguyên xi đơn tố cáo đưa lên mạng. Nếu cố tình làm điều đó, nó thể hiện người tố cáo thiếu hiểu biết pháp luật, gửi tố cáo không đúng địa chỉ hướng dẫn.
Thậm chí, nhiều trường hợp đưa đơn lên mạng xã hội mang tính cực đoan, là người ta ăn thua nhau, cay cú nhau. Điều đó rất nguy hiểm.
Phải xác định rằng việc đưa đơn tố cáo là mang tính chất xây dựng, nhằm mục đích làm cho xã hội lành mạnh hơn, tiến bộ hơn", ĐBQH Vũ Trọng Kim phân tích.
Bởi vậy, ông cho rằng rất cần có vai trò của cơ quan chức năng giám sát để xác định thông tin tố cáo thế nào, nếu thông tin đó có địa chỉ và đúng thực tế thì phải kiểm tra.
Đừng 'có tật giật mình' rồi cấm hết
Cũng theo ĐBQH Vũ Trọng Kim, người dân có thể đưa đơn tố cáo đúng địa chỉ bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp. Họ có thể sử dụng các biện pháp như tới gặp cơ quan chức năng để phán ánh, gửi thư hoặc sử dụng các hình thức thông tin khác như email, fax...
"Gửi đơn tố cáo bằng email, fax là một cách tiết kiệm thời gian cho mọi người và đảm bảo người dân gửi đơn tố cáo tới đúng địa chỉ có tên tuổi rõ ràng. Nếu cấm những hình thức này thì không phải là một xã hội thông tin tiến bộ", ông Kim nhấn mạnh.
ĐBQH Vũ Trọng Kim. Ảnh: VPQH
Vị đại biểu cho rằng, nếu hạn chế tố cáo có thể tạo ra tâm lý đấu tranh - tránh đâu.
"Giống như một nồi hơi không có van xả, bịt đầu này nó xì đầu khác.
Vì thế hãy cứ mở ra rồi quản lý, giám sát. Điều đó sẽ tạo ra dòng thông tin lành mạnh trên cơ sở những người hiểu biết và có nếp sống văn hóa xây dựng".
Ông cũng chỉ rõ, trên thực tế, có trường hợp "có tật giật mình", bị tố cáo nên đòi cấm.
Tuy nhiên, nếu người tố cáo nặc danh mà cung cấp đầy đủ chứng cứ, dữ liệu cụ thể, đáng tin cậy thì cơ quan chức năng cũng cần xem xét, tiến hành điều tra.
"Dĩ nhiên, khi tố cáo biến thành chuyện hận thù, bêu xấu nhau thì không nên. Tố cáo là để xây dựng", ĐBQH Vũ Trọng Kim nói.
Xem thêm:
Nguồn: Thành Luân
Báo Đất Việt