Đề xuất dựng mốc Km 0 của Việt Nam tại Hồ GươmGiáo sư Hà Đình Đức, người có thâm niên hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Hà Nội vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND Hà Nội về việc dựng tháp Hà Nội - Km 0 ngay tại Hồ Gươm.

Trong tờ trình gửi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, giáo sư Hà Đình Đức nêu rõ vai trò của không gian văn hóa Hồ Gươm trong tiến trình văn hóa 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Từ đây, các con đường tỏa đi mọi miền của Tổ quốc.

Theo giáo sư Đức, dựng Km 0 là việc rất có ý nghĩa, nhiều nước trên thế giới đã dựng mốc này. "Mọi con đường ở Hà Nội đều lấy mốc từ Hồ Gươm, nhưng lại chưa cụ thể ở vị trí nào. Nếu có một địa điểm đích xác, cột mốc sẽ ghi dấu ấn sâu đậm cho du khách về văn hóa, lịch sử Việt Nam khi đến thăm Hà Nội, thăm Hồ Gươm", giáo sư Đức nói.

Để minh họa cho ý tưởng của mình, giáo sư Đức đã phác thảo mô hình, địa điểm đặt Tháp Hà Nội - Km 0. Theo đó, vị trí cột mốc này nằm tại góc bờ Hồ đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng). Tháp hình trụ, diện tích 4-6 m2, cao khoảng 3 mét, làm bằng vật liệu đá quý trong nước. Trên tháp có logo kỷ niệm và hai dòng chữ Thăng Long - Hà Nội 1010 - 2010 và Hà Nội - Km 0.

"Tính cả phần diện tích bao quanh cũng chưa tới 20 m2 nên tôi nghĩ việc dựng cột mốc này khá đơn giản. Nếu được phê duyệt thì nên tổ chức một cuộc thi thiết kế chọn mẫu đẹp nhất để dựng", giáo sư Đức đề xuất.

Cũng theo giáo sư, khi trao đổi ý tưởng này mọi người, ông đã nhận được sự đồng tình từ phía những nhà khoa học, nhà văn hóa lớn ở Hà Nội như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Phan Huy Lê...

Đề xuất dựng mốc Km 0 của Việt Nam tại Hồ Gươm_0
Theo giáo sư Hà Đình Đức, một cột mốc số 0 cụ thể ở Hồ Gươm sẽ tạo điểm nhấn cần thiết cho "trái tim của thủ đô".

ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 Thăng Long cho biết, thành phố đã tiếp nhận đề xuất của giáo sư Hà Đình Đức và giao cho Ban chỉ đạo xém xét, giải quyết. "Chúng tôi luôn hoan nghênh những ý tưởng góp phần làm đẹp hình ảnh thủ đô", ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Cường, cụ thể hóa ý tưởng thành thực tế phải cẩn trọng vì bất cứ sự đụng chạm nào vào không gian Hồ Gươm cần được nghiên cứu kỹ. Ban chỉ đạo sẽ bàn bạc cùng các sở, ngành liên quan như Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Quy hoạch Kiến trúc… để có phương án cụ thể.

"Thời điểm hiện tại đã cận Tết Nguyên đán nên chúng tôi dự tính ra Tết sẽ tổ chức họp bàn với các bên liên quan, nghe giáo sư Đức trình bày cụ thể ý tưởng của mình", ông Cường nói.

Giáo sư Hà Đình Đức là nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội. Từng giảng dạy hơn 40 năm tại khoa Sinh (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), tham gia nhiều hoạt động và có hàng loạt công trình khoa học nhưng Hồ Gươm vẫn là đề tài luôn cuốn hút ông. Ở Việt Nam, ông cũng là người có thời gian theo dõi, nghiên cứu lâu nhất về cụ Rùa Hồ Gươm, bắt đầu từ năm 1991.

theo vnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC