Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dài hạn, nhiều ý kiến độc giả đã phản hồi những luận điểm được đưa ra. Các bên liên quan nói gì về đề xuất này?

 

Không còn giải pháp nào hay hơn sao?

Theo dự thảo báo cáo Chính phủ của Bộ Tài chính, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam thấp so với thế giới. Bình quân người Việt nghỉ hưu lúc 54 tuổi, trong khi tuổi hưu của Nhật Bản 70 tuổi, Anh và Đức 67 tuổi, Pháp 62 tuổi...

Cùng đó, tuổi thọ người Việt ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài.

Từ phân tích trên và một số nguyên nhân khác, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu, để đảm bảo an toàn Quỹ BHXH. Vì Quỹ BHXH đang có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.

Trước đề xuất trên, độc giả Xuân Thủy cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng BHXH, không thể lấy Việt Nam mà so sánh với Đức, Nhật được, vì họ thuộc nhóm G7. Chúng ta phải tìm cách quản lý hiệu quả Quỹ BHXH mới là biện pháp hay nhất. Phải sắp xếp lại hệ thống BHXH cho thật tinh gọn, giảm gánh nặng chi cho bộ máy bằng áp dụng công nghệ, ủy nhiệm thu - chi...

Đề xuất tăng tuổi hưu: Không thể so người Việt với người Nhật, Đức - 0

Tăng tuổi nghỉ hưu không dễ thực hiện, nhưng vẫn dễ hơn việc giảm mức trợ cấp, tăng mức đóng BHXH?. Ảnh minh họa

"Sao cứ đi so sánh tuổi nghỉ hưu của người Việt với các nước Nhật, Anh, Đức, Pháp... Bí quá không tìm ra giải pháp nào hay hơn hay sao, mấy năm nay chỉ mỗi giải pháp tăng tuổi hưu để bảo đảm Quỹ BHXH?", bạn đọc Phan Sơn chia sẻ.

Theo bạn đọc Minh, nếu làm 1 cuộc khảo sát chọn đối tượng là người làm công ăn lương, công nhân không có chức vụ quyền hạn gì, thì 100 người có 99 người không đồng ý nâng tuổi hưu.

Vì họ không đủ khả năng sức khỏe và khả năng đáp ứng đòi hỏi về thay đổi công nghệ.... Còn nếu chọn đối tượng là những người làm công tác lãnh đạo thì 100 người có 99 người đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.

Các bên nói gì?

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực.

Chỉ tăng với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng.

“Nước khác họ tăng tuổi hưu nhưng lao động của họ làm việc trong môi trường tự động hóa cao, còn Việt Nam chủ yếu làm chân tay, cơ bắp.Thậm chí, người lao động trong khu vực dệt may, da giày, thủy sản tới 33-35 tuổi là chủ tìm cách sa thải rồi, đâu làm được tới lúc nghỉ hưu”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, ngay trong khu vực sự nghiệp cũng có một số ngành nghề khó tăng tuổi nghỉ hưu. Đơn cử như cô giáo dạy mầm non, tiểu học tới 60 tuổi làm sao bế cháu, dạy múa được. Hay điều dưỡng, y tá ở các bệnh viện cũng khó có thể kéo dài thời gian làm việc tới tuổi 60.

“Lý do đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng chưa thuyết phục, như để bảo đảm an toàn Quỹ BHXH, dân số Việt Nam đang già hóa…”, ông Chính nói và cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tới cơ hội việc làm của lao động trẻ.

Ông Nuno Meira Simoes Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, để đảm bảo an toàn Quỹ BHXH, mỗi quốc gia có giải pháp riêng của mình. Như có thể tăng tỷ lệ đóng bảo BHXH hoặc tăng thuế, giảm lợi ích hưởng, và tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu không dễ thực hiện, nhưng vẫn dễ hơn việc giảm mức trợ cấp, tăng mức đóng BHXH.

"Không nước nào thích phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Nên nếu làm Việt Nam phải thực hiện việc này một cách từ từ", ông Nuno nói.

Báo cáo Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 6 lý do viện dẫn cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Như Quỹ BHXH cho hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong tương lai (dự kiến từ năm 2034).

Khi đó, ngân sách nhà nước phải bù đắp. “Đây là lý do quan trọng nhất để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu”, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Còn giải pháp tăng mức đóng BHXH, giảm lương hưu sẽ khiến cạnh tranh của doanh nghiệp giảm, người nghỉ hưu cũng khó khăn hơn. Việc mở rộng người tham gia BHXH, quản lý chặt quỹ, giảm trốn, chậm đóng… Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cũng chỉ kéo dài cân đối Quỹ BHXH thêm 1 - 2 năm.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, để an toàn Quỹ BHXH có 1 số giải pháp như: Tăng mức đóng, giảm mức hưởng, kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng… nhưng không giải pháp nào nhận được đồng thuận của xã hội. “Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng - hưởng BHXH, và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai”, BHXH Việt Nam khẳng định.

Ngoài ra, theo cơ quan này, tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã ban hành từ rất lâu, nay có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên. Nên tăng tuổi hưu sẽ giúp Việt Nam duy trì tính bền vững của hệ thống hưu trí.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng nam, để tận dụng nguồn lực và đảm bảo bình đẳng nam - nữ.

Trong Dự thảo Bộ Luật Lao động mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Với lộ trình mỗi năm tăng tuổi hưu thêm 6 tháng, tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nguồn: Báo Tiền Phong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC