Theo tin từ Bộ Công Thương, nước tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam là Ấn Độ. Các sản phẩm thép Việt Nam bị điều tra là thép thanh, thép tấm, thép cuộn cán nóng thuộc các mã H.S 7219 và 7220.
Cùng với Việt Nam còn có 23 bị đơn khác xuất khẩu thép vào Ấn Độ như Trung Quốc, Thái Lan, Australia… Trong đó, Việt Nam là bị đơn có tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này thấp nhất, chỉ 2,73 triệu USD trong năm tài chính 2007-2008.
Tuy nhiên, so với con số 0,64 triệu USD cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thép Việt vào Ấn Độ tăng rất nhanh, tới 426,56%.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép sang Ấn Độ trong danh sách bị đơn cần sớm liên hệ với Cục để cung cấp thông tin cần thiết về vụ việc, chủ động chuẩn bị đối phó.
Hạn cuối phía Ấn Độ nhận thông tin phản hồi từ các bên liên quan là ngày 8/5.
Ấn Độ vốn nổi tiếng là nguyên đơn lẫn bị đơn của rất nhiều vụ kiện tự vệ thương mại nhưng trong bối cảnh “nhà nhà bảo hộ” hiện nay, tần suất áp dụng các biện pháp này đặc biệt tăng lên.
Riêng Việt Nam, gần đây đã bị phía Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với ít nhất 4 mặt hàng: Sợi vải, đèn compact, đĩa CD-R và bây giờ là thép.
Trước tình hình trên, đang có một số kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp thuế quan và tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng xuất khẩu của nước này vào thị trường Việt Nam như sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may…
Theo Bộ Công Thương, trao đổi thương mại song phương năm 2008 đạt 2,48 tỷ USD trong đó Ấn Độ đang là nước xuất siêu áp đảo vào Việt Nam, tới trên 2 tỷ USD với rất nhiều chủng loại hàng hóa. Phía Ấn Độ cũng hứa hẹn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Theo Vietnamnet.