Đi chợ Bệnh nhân ung thư, người hiếm muộn, yếu sinh lý muốn cải thiện tình trạng sức khỏe, bệnh tật… cứ ghé chợ thì mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng. Lần theo khẩu truyền của cánh dân chơi quý tộc, chúng tôi đến phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) và choáng ngợp trước vô vàn món quý hiếm mà ngày trước chỉ bậc vua chúa mới được động đến. Nổi bật trong số đó là sừng tê…

“Sừng tê giác” bày la liệt

Càng gần đến cuối năm, nhu cầu mua sắm quà cáp đắt tiền biếu tặng càng rầm rộ. Thế nên khi lạc chân vào phố thuốc Đông y, chúng tôi choáng ngợp trước màn mua bán các món biệt dược cao cấp vô cùng xôm tụ.

“Cái này là của một già làng ở Tây Nguyên gửi bán. Hàng gia truyền qua 4 đời đấy. Do cần tiền làm nhà rông nên ông già mới nhờ mình tìm mối gả. Thằng này thì anh chị biết rồi đấy! Cứ mài bột uống vào thì ung thư, vô sinh, yếu sinh lý nó chữa được tất”.

Đó là màn thuyết khách của một phụ nữ dáng người phốp pháp trước ánh nhìn lưu luyến về phía cái sừng nhỏ nhỏ đen đen của một cặp vợ chồng luống tuổi mà tôi đoán đang gặp trắc trở về đường sinh nở. Nhón ngón tay vào trong chiếc tủ kiếng lấy cái sừng nặng khoảng 300g lên nước bóng loáng, bà chủ chép miệng ra chiều tiếc rẻ: “Không may cho anh chị cái này có người đồng ý mua rồi. Chiều họ ghé lấy. Do nhỏ nên giá của nó chỉ có trăm rưỡi (150 triệu đồng – PV). Nếu có nhu cầu, anh chị để số điện thoại lại, có hàng tui sẽ alô”.

Đảo sang những quầy Đông dược khác, tôi lại bắt gặp cảnh người ta trưng những chiếc sừng tê trong tủ kính gọi mời. Vì là mặt hàng quý hiếm với giá cả đắt đỏ nên sự hiện diện của những cái sừng này khiến kẻ qua người lại không cưỡng lại được sự tò mò. Có cái sừng nặng đến hơn 2kg được người bán bỏ nhỏ “bạc tỷ” nghe mà “xám hồn”. Điều lạ ở chỗ khi chúng tôi hỏi “đó có đúng là sừng tê?” thì các ông bà chủ đều trả lời bằng ánh nhìn thiếu thiện cảm. Có người đáp bằng câu hỏi ngược lại: “Anh muốn mua gì?”.

Tại một quầy Đông dược khác có bảng hiệu toàn tiếng Tàu, trước khi bước ra ngoài chui vào chiếc xe con bóng loáng, một người người đàn ông dáng người phốp pháp, ra chiều sành điệu: “Chợ này chủ yếu bán sừng tê nên dân trong giới thường gọi “chợ sừng tê”. Còn tui quen gọi chợ kỳ lân vì tê giác nó rất giống con vật linh thiêng đó! (???). Ở đây ông muốn bất kỳ món nào của kỳ lân như pín (dương vật), da, phân, sừng, xương cốt… đặng nấu cao, làm thuốc đều có. Tất nhiên phải là mối quen họ mới bán bởi đây là hàng quốc cấm mà!”.

Kiên trì ngắm nghía, thăm hỏi rồi tôi cũng được một chủ hàng vui vẻ đón tiếp. Nghe hỏi những cái sừng tê được trưng bày lổn ngổn kia “là thiệt hay giả, ở đâu mà lắm thế?” thì bà nhoẻn miệng cười bí hiểm: “Hàng phần lớn được nhập từ Châu Phi theo đường xách tay. Thật giả thì hên, xui thôi. Năm ngày nữa chị về lô hàng hai chiếc. Chị làm ăn uy tín, đảm bảo có chỗ kiểm định chất lượng cho cưng. Thằng trâu một sừng này ở đây không thiếu hàng nhưng không phải ai có tiền cũng có được nó đâu. Phải có duyên kia. Bằng không trả tiền thật rinh hàng tầm bậy đó!”.

“Pín ông ba mươi là quá thường!”

Xuyên suốt chợ sừng tê, bên cạnh những cái sừng kỳ lân đen đen bóng đầy ma lực, khách lần đầu đáo ngang còn say sẩm trước mê trận những món độc chiêu từ cơ phận loài mãnh thú quý hiếm. “Pín cọp, mật gấu, pín rắn… là quá thường. Ở đây hổng có mấy thứ bình dân đó!”. Nghe khách hỏi “sao hổng thấy pín ông ba mươi”, người đàn ông dáng người to béo cổ đeo chiếc dây chuyền bản to như dây xích lên giọng ra chiều khích tướng. “Đánh” xong rồi, ông này “xoa”: “Nói thật nghen, mấy món đó bây giờ toàn đồ đểu nên cơ sở anh không kinh doanh. Làm vậy thất đức lắm”.

Vừa nói ông vừa hướng ánh mắt về phía chiếc tủ kiếng bên trong la liệt vây – vi cá mập, có món lên đến 20 triệu đồng/kg. “Ngày trước phương tiện đánh bắt thô sơ nên việc đánh bắt cá mập lấy vi gặp nhiều khó khăn, số lượng hạn chế. Bởi quá quý hiếm nên chỉ có vua chúa mới được ngự. Khanh tướng dù tiền vàng nứt đổ vách cũng không dám cả gan dùng. Bây giờ thì sướng rồi. Có tiền thì có ăn thôi. Cá mập khỏe, dũng mãnh ra sao thì cái vi hay vây của nó cũng có những hoạt chất giúp người ẩm thực được như vậy đấy!” (???).

Dấn thân vào “chợ sừng tê”, lần này chúng tôi được các món đông trùng hạ thảo, tuyến giáp, tổ chim yến sào, bào ngư, hải sâm, bong bóng cá, nấm cổ linh chi ngàn năm… vây bủa. Đây là những món dược phẩm cao cấp được người bán rêu rao “ngon, bổ lại có tác năng ngăn ngừa, đặc trị những mầm mống ung thư”.

Đi chợ

Nấm cổ linh chi được bày bán như rau củ

Tại quầy hàng nằm ở góc đường Triệu Quang Phục – Hải Thượng Lãn Ông, vờ hỏi “có món gì giúp tráng dương trường sức?”, tôi được ông chủ quầy tư vấn: “Quất đông trùng hạ thảo đi. Món này là dạng cộng sinh giữa loài nấm túi với ấu trùng chỉ có tại vùng rừng thiêng nước độc tại Trung Quốc. Từ Hy Thái Hậu, Võ Tắc Thiên, Càn Long hoàng đế… nhờ dùng món này mà bách niên giai lão, trí tuệ mẫn tiệp ngời ngời”.

Nghe giá “một ký 200 chai” (200 triệu đồng) nên tôi kiếm cớ “nhổ neo”. Lỉnh qua quầy hàng kế bên, tôi được chào hàng món bột ngọc trai trộn cháo “ăn cho da mịn, trẻ lâu”, mà là ngọc “hắc trân châu” mới ghê. Ngọc trai tự nhiên đã hiếm, hắc trân châu nghĩa là ngọc trai đen càng hiếm vô ngần. Trong 10.000 con trai chỉ có khoảng 10 con cho ngọc. Trong 1.000 con trai cho ngọc chỉ có vài con cho hắc trân châu”. Nghe quảng cáo tới đây, biết sau đó sẽ là cái giá trên trời nên vờ có điện thoại, tôi tìm đường “dzọt” lẹ.

“Cẩn trọng kẻo sụp bẫy”

Đó là lời nhắc nhở của ông Minh, chủ quầy Đông dược K.N trong Siêu thị Đông y tại “chợ sừng tê”. Ông Minh vạch rõ: “Với sừng tê, khách đến lần đầu họ không bao giờ bán vì nhiều lẽ. Trước là sợ khách không tin, sau là ngại kiểm lâm, công an đóng vai đi bắt quả tang. Nếu không qua mối quen biết, mấy ông bà chủ và đám cò mồi sẽ thử cơ mình, nghĩa là hẹn năm bảy ngày hay tháng sau đến xem hàng. Khách cần mua sẽ thường xuyên liên lạc với đám này. Nắm chắc được điều đó rồi, đám gian thương mới trổ tài hạ sát con mồi”.

- Giải thích sao về mấy cái sừng được trưng trong tủ kính?

- Toàn đồ đểu không thôi. Gặp khách nghờ nghệch tui nó bảo đấy là sừng tê. Kiểm lâm đến kiểm tra thì được trả lời “sừng trâu làm kiểng”. Nói thiệt nghen, tê giác Việt Nam giờ chỉ còn vài con, làm gì có sừng mà mua với bán!

Lương y Tuệ Minh (phòng khám Tuệ Đường) nhắc nhở: “Không ít người sau khi mua đông trùng hạ thảo ở chợ sừng tê đã đến nhờ tôi kiểm định. Trên 80% trường hợp là dính hàng dỏm. Đông trùng hạ thảo thật khi cầm có trọng lượng nhẹ hơn loại giả được làm từ bột ngô, bột lúa mạch hay củ thạch thảo. Loại giả nhai lâu dính răng, vị ngọt đậm, sâu non không có chân… Nói chung phải là người có kinh nghiệm mới nhận biết được”.

Các món vi cá, yến sào, tuyến giáp, bột ngọc trai cũng được các lương y khuyến cáo người mua phải cẩn thận khi đưa ra quyết định tuyển hàng. “Cá mập có hàng chục loài nhưng chỉ có 2 – 3 loài được lấy vây. Đừng cứ thấy vi cá trăng trắng có gân cước mà ham. Cách đây không lâu quản lý thị trường thành phố phát hiện gian thương săn mấy con cá mập tạp nham về cắt vây ngâm thuốc tẩy cho trắng rồi dùng bàn chải sắt tạo đường vân”.

Dứt lời, lương y Minh chép miệng: “Yến sào cũng toàn hàng giả không đấy. Công ty yến sào Khánh Hòa liên tục gửi công văn đến các cơ quan chức năng phản ánh chuyện người ta làm giả tổ yến bằng bột mì và hóa chất khiến người mua về ăn bị ngộ độc. Một kilogram tổ yến giá đến bốn năm chục triệu đồng. Muốn chắc ăn cứ đến mua ở nơi chính hãng, đừng mua ở chợ trời dễ dính đòn lắm!”.

Bột ngọc trai cũng được nhiều người trong cuộc cảnh báo bởi lấy gì chứng minh cái thứ bột mịn đen đen kia là hắc trân châu? Điều đáng quan tâm là những món dược phẩm như chúng tôi phản ánh đều được bày bán công khai. Chợ sừng tê lúc nào cũng trong cảnh nhộn nhịp nhưng không thấy ngành chức năng nghiêm cấm mua bán hay đưa ra những khuyến cáo gì cho người tiêu dùng. Từ nay đến Tết, không biết sẽ còn bao nhiêu trường hợp “dính chưởng” phường gian thương ma mãnh?!

Theo Nguyễn Thành – Thu Hiền
Khoa học-Đời Sống




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC