Đây là năm thứ hai gia đình chị Nguyệt Anh đi du lịch xuyên Tết, đón khoảnh khắc giao thừa xa nhà.

Tôi không thích đón Tết ở TP HCM vì quá nóng nực, về Bắc thì lại bị ám ảnh cảnh tàu xe chen chúc, nên hai năm nay quyết định cảnh ăn Tết xa nhà.

Điều khiến tôi bất ngờ là dù xuất ngoại nhưng tổng kết chi tiêu, tôi thấy mình đỡ tốn kém hơn đón Tết ở nhà.

Tôi người Bắc, bố mẹ vẫn ở Thái Nguyên. Gia đình chồng tôi không phải người Sài Gòn gốc nhưng từ khi anh học lớp một thì cả nhà đã định cư ở đây.

Vợ chồng tôi kết hôn được 11 năm, trước đây, chúng tôi vẫn đón Tết ở hai nơi, thường mồng 2 hoặc 3 cả nhà sẽ bay về Bắc, ở đến sát ngày phải đi làm, đi học thì quay trở lại Sài Gòn.

Có năm, mẹ con tôi về từ trước Tết, đến mồng 4 chồng tôi ra, rồi sau đó cả nhà bay vào Nam. Chồng tôi không thích ở nhà ngoại lâu vì không có chỗ chơi. Cũng có năm, chúng tôi về quê từ sau ngày cúng Táo quân, sau đó, mồng 2 đã trở lại Sài Gòn. Chúng tôi luôn phải đón Tết ở hai nơi cho công bằng.

Dù đi kiểu nào thì mỗi năm, tính sơ sơ tiền vé máy bay khứ hồi cho hai người lớn và hai đứa trẻ con của nhà tôi không dưới 20 triệu.

Thêm hai lượt đi về cho hai chuyến taxi từ nhà tôi ở quận 8 ra sân bay Tân Sơn Nhất, từ sân bay Nội Bài về nhà ngoại ở huyện Đại Từ thêm khoảng 4 triệu nữa.

Giả dụ có tiết kiệm đi xe khách về Thái Nguyên, chúng tôi vẫn phải tìm taxi đi thêm 15km nữa mới về được đến tận nhà. Tiền là một vấn đề, mà điều tôi sợ nhất cái cảnh chen nhau làm thủ tục ở sân bay, rồi bị hoãn chuyến bay cả tiếng, lúc hạ cánh chờ lấy hành lý cũng rất lâu, rồi cảnh tìm xe ô tô để di chuyển bằng đường bộ.

Trong khi đó, trên đoạn đường liên huyện về quê, con tôi thường bị say xe vì đường miền núi ngoằn ngoèo. Hầu như năm nào, nhà tôi cũng bị rơi rớt ít hành lý hay để quên ở nhà.

Về Bắc, trước Tết, mấy mẹ con lại lục đục đi sắm quần áo rét.

Tôi có thể mặc lại bộ năm cũ, nhưng bọn trẻ mỗi năm một lớn nên không thể không mua. Chúng tôi mất mấy triệu bạc chỉ để mua vài bộ quần áo cả năm mặc có một lần, rồi lại đem cho làm phước.

Vì vẫn ăn Tết ở thành phố nên chúng tôi vẫn phải trang trí nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm đầy đủ, bày bàn thờ cúng thịnh soạn.

Các khoản này tôi chưa từng hạch toán chi tiết nhưng ước lượng hết tầm 10 triệu đồng. Đi chợ những ngày Tết, tôi luôn có cảm giác giống như bị đánh rơi tiền.

Tôi nhớ năm 2016, sáng 30, tôi cầm hai tờ 500.000 đồng ra chợ, mua được một con gà, ít tiền vàng, ba bó bông, hai quả bưởi, ba gói trầu cau, hai quả dừa, một chùm sung, hai quả xoài là hết tiền. Tôi lại lật đật về nhà lấy thêm tiền để mua nốt số hàng cần mua đã ghi ra giấy.

Mỗi năm, tôi vẫn đổi sẵn 10 triệu tiền mới để đi mừng tuổi và đi lễ chùa.

Mừng tuổi trẻ nông thôn đỡ tốn kém hơn. Lì xì trẻ thành phố thì không thể ít vì bố mẹ chúng cũng lì xì con tôi nhiều. Năm 2016, tôi mừng 50.000 đồng, nhận thấy ngay vài bé có vẻ không vui vì ít quá. Hầu như năm nào, khoản tiền mới này của tôi cũng hết sạch trước khi đi làm trở lại.

Đi du lịch nước ngoài, gia đình tôi tiết kiệm hơn đón Tết ở nhà - 0

Đi du lịch Campuchia vào dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyệt Anh không lo các khu vui chơi chen chúc hay các quán hàng tăng giá như ở trong nước, vì dịp này ở đây không phải là Tết – Ảnh minh họa: Terence Carter

Rồi còn tục biếu quà trước Tết.

Đằng chồng nhà tôi có truyền thống, họ hàng vẫn đem biếu nhau ít thực phẩm ăn Tết, người mang gạo, người mang bia, người mang gà…

Đôi khi tôi có cảm giác giống như đổi thực phẩm cho nhau. Tuy nhiên, cách ăn uống mỗi nhà mỗi khác, nên không phải món quà nào nhận được chúng tôi cũng sử dụng được. Ví dụ lạp xưởng, cả nhà tôi mỗi chồng tôi ăn được món này. Có năm chúng tôi được bác hai cho mấy bịch, mình chồng tôi ăn hai tháng mới hết, còn tôi lại phải đi mua thứ khác… Mỗi năm tôi đều đưa chồng 4 triệu để anh tự đi mua các món quà và hoàn thành thủ tục này của dòng họ bên anh.

Tính sơ sơ, một năm chúng tôi đón Tết hết khoảng 50 triệu, chưa kể còn rất nhiều phát sinh lặt vặt trên đường đi chúc Tết hay đến các khu vui chơi giải trí ngày xuân.

Tài chính là một vấn đề, nhưng cả năm đi làm đã căng thẳng, đến ngày Tết cũng không được nghỉ, tất bật mua sắm, tất bật việc nhà, tất bật chạy sô các nhà chúc Tết với vài câu chúc xã giao, tất bật tàu xe về quê… khiến tôi rất sợ Tết.

Năm ngoái, đúng dịp kỷ niệm 10 ngày cưới của chúng tôi vào 30 Tết, tôi thuyết phục được chồng cho cả gia đình nhỏ đi Thái Lan.

Chúng tôi đặt tour 6 ngày 5 đêm, đóng cho công ty du lịch hết 33 triệu (do đã được khuyến mại 3 triệu). Chúng tôi không tham gia nhiều hoạt động vui chơi tốn tiền bên ngoài tour vì con nhỏ, cũng không có nhu cầu mua sắm gì nên tổng chuyến đi, gia đình tốn hết khoảng 45 triệu.

Năm ngoái đi chơi xuyên Tết, thoát được bao thủ tục rườm rà ở nhà, năm nay chúng tôi lại đi Campuchia từ 30 Tết, bắt xe khách từ Sài Gòn sang Phnom Penh. Lần này, chúng tôi đi bụi để được thư giãn tối đa, không phải dậy sớm, không phải ăn uống đúng giờ như đi tour. Tối qua, chúng tôi quay trở lại Sài Gòn, sau 5 ngày khám phá thủ đô Pnom Penh.

Tính ra, tất cả chi phí cho chuyến đi của nhà tôi là 25 triệu. Chúng tôi đi xe khách từ Việt Nam sang.

Ở trong thành phố, chúng tôi thuê xe máy đi chơi. Chúng tôi thuê một phòng đôi trong một khách sạn 3 sao, có ăn sáng miễn phí. Dù nhiều cửa hàng của người Hoa và người Việt ở đây cũng đóng cửa để đón Tết cổ truyền nhưng chúng tôi vẫn được thưởng thức cả món ăn đường phố lẫn món ăn nhà hàng ở nước bạn.

Chúng tôi cũng mua được chút cá khô về làm quà, sắm được vài bộ quần áo vì thấy đẹp mắt chứ không có nhu cầu thực sự.

Mỗi lần đi du lịch xuyên Tết như vậy, tôi đều cố gắng sắp xếp về ngoại từ Tết dương lịch để ông bà không ngóng.

Nếu sang năm chúng tôi tiếp tục tìm được người thắp hương hộ vào hôm giao thừa và mồng một Tết, thì có lẽ tôi sẽ đi Hàn Quốc, thậm chí sẽ cố gắng mời cả bố mẹ đi cùng, bởi năm nay, tôi thấy rất nhiều công ty chào giá đi Hàn Quốc khoảng 12 – 13 triệu/người.

 

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC