Tỷ lệ nợ xấu tại 6 ngành này gấp 2-5 lần so với nợ xấu bình quân theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gây ra rủi ro chéo giữa khu vực doanh nghiệp phi tài chính và các tổ chức tín dụng.
Báo cáo vừa công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia (UBGSTC) cho thấy, rủi ro chéo giữa khu vực doanh nghiệp phi tài chính và các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn do dư nợ tập trung ở mức cao vào 6 ngành có tỷ lệ nợ xấu lớn, gấp 2-5 lần so với nợ xấu bình quân theo báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, những ngành có hiệu suất sinh lời thấp và tình hình tài chính xấu cũng là những ngành có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong hệ thống các TCTD. Đó là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (21,15%); ngành Bán buôn và bán lẻ (16,93%); hoạt động dịch vụ khác (12,51%); bất động sản (11,37%); xây dựng, xây lắp, vật liệu xây dựng (10,13%); vận tải, kho bãi (9,43%).
Trong 6 ngành này, chỉ có ngành Vận tải, kho bãi có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, từ 13,4% tại 31/12/2011 xuống 10,98% năm 2012 và tại thời điểm 30/4/2013 còn 9,34% (giảm 1,5 điểm phần trăm trong 4 tháng đầu năm 2013). Các ngành còn lại tỷ lệ nợ xấu thậm chí còn tăng hoặc chỉ giảm không đáng kể.
Tại thời điểm 30/4/2013, dư nợ của 6 ngành này chiếm tới 66,69% tổng dư nợ của các TCTD trong khi nợ xấu chiếm 81,53% nợ xấu của toàn hệ thống.
Mặc dù tỷ trọng nợ xấu của 6 ngành này vẫn tăng nhẹ kể từ 31/12/2011 tới 30/4/2013 song tỷ trọng tín dụng so với tổng dư nợ các TCTD đã có xu hướng giảm nhẹ, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, tỷ trọng dư nợ của 6 ngành đã giảm 1,1 điểm phần trăm so với thời điểm 31/12/2012.
Cũng theo ghi nhận tại báo cáo, đã có sự chuyển dịch cơ cấu tín dụng tích cực theo hướng thu hẹp tỷ trọng tín dụng danh cho khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, nợ xấu của khối DNNN lại tác động tiêu cực tới ổn định và an toàn của hệ thống tài chính.
Theo thống kê, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với DNNN. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin, nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của NHNN (chiếm 10% tổng dư nợ năm 2012).
UBGSTC lưu ý, nợ xấu của các DNNN không dễ xử lý do nhiều tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay như nguyên liệu, hàng hóa có tính thanh khoản thấp.
Theo Dân trí.