Điện hạt nhân Ninh Thuận có thể không đạt kế hoạch khởi côngTheo kế hoạch, năm 2014, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được khởi công xây dựng tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề lựa chọn công nghệ, địa điểm đặt nhà máy và cả nguồn nhân lực vẫn còn là thách thức đối với Việt Nam.

 

 Bên lề hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) phối hợp Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trao đổi với báo chí về vấn đề Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 
Theo kế hoạch được Quốc hội phê duyệt năm 2014, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được khởi công xây dựng tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề lựa chọn công nghệ, địa điểm đặt nhà máy và cả chính sách đào tạo, tìm kiếm nguồn nhân lực vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo Bộ trưởng, công tác chuẩn bị như vậy có kịp cho thời điểm khởi công nhà máy vào năm 2014, đưa vào vận hành năm 2020?
 
Theo tiến độ năm 2014 chúng ta sẽ khởi công nhà máy đầu tiên. Tuy nhiên, thời điểm khởi công phụ thuộc nhiều vào công tác chuẩn bị, trong đó có cơ sở hạ tầng. Do đó, chúng ta không nên xác định mục tiêu phải khởi công đúng tiến độ, vấn đề là phải chuẩn bị thật tốt: pháp quy pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
 
Thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là tiềm lực tài chính còn khó khăn. Toàn bộ tài chính cho điện hạt nhân Việt Nam phải dựa vào nguồn vốn ODA của Nga, Nhật Bản. Cùng đó, quyết định xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam gặp những ý kiến không đồng thuận sau khi xảy ra thảm họa Fukushima, mặc dù công nghệ mà Việt Nam lựa chọn đã đảm bảo mức an toàn rất cao. Vì vậy, công tác tuyên truyền tới người dân để tạo đồng thuận là thách thức rất lớn.
 
Thưa Bộ trưởng, vấn đề phát triển nguồn nhân lực là một trong những bước quan trọng trong chuẩn bị hạ tầng cho quá trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Nhưng dường như tới thời điểm này, chúng ta vẫn triển khai quá chậm?
 
Chính phủ đã thành lập 2 ban chỉ đạo quốc gia phục vụ cho điện hạt nhân, một do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, một ban riêng về đào tạo nguồn nhân lực do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách. Tuy nhiên, hiện chúng ta gặp nhiều khó khăn do chính sách đối với người đi học, người sẽ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong nhà máy điện hạt nhân… vẫn chưa được công bố công khai nên chưa tạo được nguồn động lực để thu hút. Trong khi đó, việc lựa chọn người người đi học cũng đòi hỏi khắt khe hơn so với những lĩnh vực khác, vì họ phải chấp nhận rủi ro trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy sau này. Đòi hỏi cần có trình độ cao, đặc biệt trong vật lý hạt nhân, vì thế quá trình tuyển chọn rất khắt khe. Dù vậy, trong mấy năm qua, Việt Nam cũng đã hợp tác với Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kì…đào tạo được đội ngũ nhà khoa học trẻ.
 
Cụ thể, 3 năm vừa qua chúng ta đã gửi được 200 người ở Nga, khoảng 200-300 người nữa ở các quốc gia khác học tập ngắn và dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta sớm công bố được công khai chế độ đãi ngộ với người đi học và người sau này làm việc cho điện hạt nhân thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc sẽ thuận lợi hơn và sẽ có đủ đội ngũ để vận hành.
 
Được biết Chính phủ đã chi gói ngân sách 2.000 tỉ đồng dành cho chương trình đào tạo cán bộ hạt nhân. Theo đó, từ 1/9 này, chúng ta sẽ đưa thêm du học sinh sang Nga để đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân?
 
Đây đúng là chương trình nằm trong gói ngân sách 2.000 tỉ đồng Chính phủ dành cho chương trình đào tạo cán bộ hạt nhân. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng dành 1.000 tỉ đồng cho quá trình đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành điện hạt nhân… Dự kiến, đến 2020 sẽ có đủ nhân lực phục vụ cho vận hành nhà máy.
 
Đề án phát triển nhân lực điện hạt nhân đã giao cho 5 trường Đại học, dù điểm chuẩn rất thấp chỉ 15, 16 điểm nhưng mỗi trường cũng chỉ tuyển được 40- 60  em. Vậy mà sau đó, sinh viên vẫn bỏ học nhiều. Với thực trạng này, chúng ta có đảm bảo được nguồn nhân lực đủ về chất và lượng?
 
Có quốc gia sử dụng nhân lực nước ngoài hoàn toàn, nhưng chúng ta không muốn như vậy, ta muốn nhà máy của mình được đào tạo bằng chính người của mình. Đúng là sinh viên vào học điểm không cao. Một trong những nguyên nhân do chính sách đãi ngộ với người đi học và người làm việc - người ta theo đuổi nghề rủi ro. Được biết, Chính phủ sắp công bố chính sách với người đi học và người làm việc. Theo tôi, sinh viên đang học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Việt Nam cần được cấp học bổng, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Những người sẽ vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, tôi nghĩ, mức lương phải ở mức rất cao để họ yên tâm nuôi sống gia đình vì họ có thể phải tiếp xúc với môi trường phóng xạ, rủi ro cao. Thậm chí, mức lương người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân phải cao hơn lương Bộ trưởng. Chắc chắn khi đó, sinh viên giỏi sẽ học ngành điện hạt nhân, người giỏi khi đó sẽ không bỏ nghề.
 
Có cơ chế, chính sách nào dành cho nhà khoa học Việt kiều muốn về nước, muốn trở về làm việc trong lĩnh vực này?
 
Chính sách của Chính phủ và Bộ KH - CN  hiện luôn mở rộng cửa đón đợi. Tuy nhiên, hiện Chính phủ còn nhiều khó khăn, nên giai đoạn ban đầu Bộ dự kiến chỉ sử dụng một phần ngân sách Nhà nước, còn lại sẽ vận động các tổ chức quốc tế tài trợ thêm, nhằm đảm bảo mức sống chi phí tối thiểu cho nhà khoa học từ nước ngoài trở về.  Hiện có rất nhiều chuyên gia làm việc tại Pháp, Mỹ muốn trở về Việt Nam làm việc.
 
Chúng tôi, đang cố gắng tạo môi trường làm việc tốt nhất để thu hút các nhà khoa học. Cụ thể, một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân do liên bang Nga giúp đỡ với trị giá 500 triệu USD đang được chuẩn bị xây dựng. Dự kiến, cùng với các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, đến năm 2017 chúng ta có cơ sở đầy đủ đáp ứng các nhà khoa học.
 
Cảm ơn Bộ trưởng!
 
Theo Dantri.
 



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC