Hai năm gần đây, không chỉ DN thành lập mới mà nhiều công ty đang hoạt động cũng tự thu nhỏ để tồn tại. Thậm chí, có DN nói thẳng, trở thành "cá lớn" rất nguy hiểm, dễ bị phát hiện, dễ bị sâu xé nên xé nhỏ là thượng sách.
Báo động vì DN siêu nhỏ
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2013 cả nước có 39.000 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 193,5 nghìn tỷ đồng. Xét về số lượng thì số DN đăng ký tăng 7,6%, nhưng về vốn đăng ký lại giảm 19,9% so với 6 tháng đầu năm 2012. Còn nếu so với 6 tháng cuối năm 2012, số lượng DN thành lập mới tăng 15,5% và vốn đăng ký giảm 14,24%.
Qua số liệu trên có thể thấy vốn đăng ký của DN thành lập mới ngày càng giảm. Cũng theo công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, năm 2012, tổng số DN thành lập mới của cả nước là 69.874 với số vốn đăng ký là 467,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,9% về số DN và giảm 9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011.
Số DN tăng nhưng vốn đăng ký giảm cho thấy quy mô của DN đang giảm đi nhanh, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết. "Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, số DN siêu nhỏ ngày càng tăng lên đặc biệt là trong 2 năm gần đây, không chỉ với DN thành lập mới mà nhiều DN đang hoạt động cũng tự thu nhỏ để tồn tại. Đây là điều hết sức lo ngại. Chắc chắn những DN quy mô nhỏ sẽ tạo ra ít việc làm hơn và đóng góp cho ngân sách ít hơn", ông Kiêm nói.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua các DN Việt Nam đã có xu hướng thu hẹp quy mô. Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát 1.999 DN nhỏ. Theo đó, sau hai năm 2009-2011 phát triển chỉ có 31 DN nhỏ và siêu nhỏ lớn thành quy mô vừa, nhưng lại có tới 133 DN có quy mô vừa và nhỏ thu lại thành siêu nhỏ.
Còn theo "Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2012" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, số DN siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng.
Nghiên cứu 4.600 DN siêu nhỏ hoạt động từ 2002 thì đến 2011 cho thấy có tới 2/3 giữ nguyên quy mô. Trong số 1/3 DN còn lại thì chỉ có trên 30% phát triển lên quy mô nhỏ. Số DN "thăng hạng" lên quy mô vừa và lớn không đáng kể, chỉ trên 2%.
Trong khi đó, nghiên cứu 4.300 DN vừa và lớn cho thấy có tới 34% đã bị giảm quy mô. Đặc biệt, DN có quy mô vừa có sự thay đổi mạnh theo chiều hướng giảm đi. Có đến gần 39% số DN vừa chuyển thành các DN có quy mô nhỏ vào năm 2011 và 5,12% chuyển thành siêu nhỏ. DN vừa cũng có sự thay đổi mạnh nhất, chỉ trong vòng 2 năm 2010-2011 có tới 40% thay đổi quy mô lao động theo hướng thu hẹp lại.
Xét theo tiêu chí lao động thì số lao động bình quân trong các DN đã giảm từ 74 lao động năm 2002 xuống còn 34 lao động vào năm 2011, tương ứng với quy mô DN nhỏ.
Những nguyên nhân được chỉ ra là do trình độ, kinh nghiệm, kiến thức, tầm nhìn của DN Việt Nam còn hạn hẹp, năng lực cạnh tranh yếu, tiếp cận thị trường khó khăn, thiếu vốn, lãi vay cao và chính sách thiếu ổn định, thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước... cộng với kinh tế suy thoái khiến cho các DN khó phát triển.
Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt những DN trung bình đóng vai trò là cầu nối, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và báo động về môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không những thế, thời gian qua các DN thành lập mới lại tập trung nhiều vào các lĩnh vực như chế tạo về dụng cụ y tế, sản xuất phân phối khí đốt, điều hòa không khí... hay những ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động của DN như kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế...
Ngược lại, số DN thành lập trong những ngành kinh tế mũi nhọn có sự lan tỏa lớn như Điện tử, cơ khí, nông lâm thủy sản... lại giảm đi, cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đang bị bỏ trống nhiều trong các lĩnh vực quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững và mang lại giá trị gia tăng cao. Điều này phản ánh sự manh mún, của nền kinh tế.
"Không muốn lớn"
Ông Cao sỹ Kiêm cho biết, rất nhiều DN nhỏ và vừa đến nay không có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh. Lý do quan trọng nhất là họ không thấy có sự hỗ trợ hay khuyến khích DN mở rộng quy mô từ phía Nhà nước.
Chủ một cơ sở sản xuất dây cáp điện ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, do chi phí thuê mặt bằng sản xuất giảm mạnh, nên cơ sở này mới đây đã thuê được 50.000 m2 đất giá rẻ, dự định mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi kế hoạch mở rộng hoàn tất, sẽ nâng số lao động từ 10 người lên 25 người. Song kế hoạch này tạm phải gác lại bởi tính đi tính lại thấy không có hiệu quả. Ngoài tiền gia đình bỏ ra, đơn vị này ước tính phải vay thêm 2 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất, nhưng lãi vay tới 14% trong lúc nhu cầu giảm, mạnh, đầu ra khó khăn tính ra sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ không có. "Nếu DN chúng tôi tạo thêm việc làm thì cần được ưu đãi về thuế hay lãi vay... Nhưng chúng tôi không hề nhận được những hỗ trợ cần thiết và cũng không biết tìm sự hỗ trợ đó ở đâu, ngược lại phải nộp thuế cao hơn thì không có động lực phát triển", chủ cơ sở này nói.
Thậm chí, có DN nói thẳng, trở thành "cá lớn" rất nguy hiểm, dễ bị phát hiện, dễ bị sâu xé, vì vậy xé nhỏ ra để dễ tồn tại. Làm lớn không được hỗ trợ lại hay bị yêu sách, quấy nhiễu sẽ rất mệt mỏi.
Thực trạng số DN đăng ký với quy mô ngày càng nhỏ đi trong thời gian vừa qua đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách phát triển DN. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, do không được quan tâm đúng mức, các DN nhỏ và vừa gần như không lớn lên được. Chẳng hạn, các DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn, cần được hỗ trợ với lãi suất thấp. Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng mới chỉ áp dụng ở 13 tỉnh thành và hầu như chưa hoạt động.
Ông Tuấn cho biết, chưa thấy việc theo dõi, tập hợp, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa. Mặc dù cũng có hiệp hội của các DN này, nhưng chưa đủ mạnh và chưa giúp được nhiều cho họ.
Còn ông Cao Sỹ Kiêm thì cho biết, thời gian qua các DN nhỏ và vừa đã có nhiều đề xuất, góp ý với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhưng mãi không thấy có biến chuyển, giờ đã nản và đang buông xuôi.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, xong các điều kiện kinh doanh của DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa không phải lúc nào cũng đầy đủ. Giải pháp lúc này là Nhà nước cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa.
Cần xác định rõ mục tiêu chính sách và nhóm đối tượng hỗ trợ, để từ đó chính sách sẽ tạo điều kiện kinh doanh chứ không chỉ dừng lại những ưu đãi hậu kinh doanh. Cho đến nay, ngoài chính sách giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, hầu hết các biện pháp hỗ trợ đều là các giải pháp chung cho các DN sản xuất.
Theo VEF.