Niềm tự hào của đồng bào
Từ thành phố Đông Hà chạy theo Quốc lộ 9 lên thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để vào “đỉnh trời” A Dơi, chúng tôi phải mất hơn nửa ngày đường vượt đèo leo dốc. Đến địa phận A Dơi lúc mặt trời xế bóng, tôi bắt gặp một thanh niên người dân tộc Pa Cô tên Hồ Loang. Loang nói tiếng Kinh rất lưu loát. Tôi hỏi Loang đường về nhà già Mơ. Loang nói như đùa: “Ở bản miềng (mình) không có ông già Mơ đâu. Chỉ có “mẹ Mơ” thôi. Nhà mẹ cách nhà miềng nửa ngọn núi thôi. Nhắc đến “mẹ Mơ” là đồng bào miềng tự hào lắm!”. Nói rồi Loang dẫn chúng tôi đường đến nhà già Mơ.
Căn nhà sàn của già Mơ ở bản Prin C, xã A Dơi không khang trang nhưng khá rộng rãi. Phía trước nhà là mấy tấm ruộng lúa bậc thang xanh mướt. Nhìn sang bên kia ngọn núi là đất của bản Xê Tam Muội, tỉnh Savẳn-nakhẹt (Lào). Gặp chúng tôi, già Mơ đon đả ra tận ngõ đón khách. Già Mơ mất một chân trong cuộc chiến giữ nước lẫy lừng của dân tộc. Già Mơ năm nay đã bước qua tuổi 73, nhưng đôi mắt vẫn trong vắt, quắc sáng lắm, giọng nói sang sảng như trai bản.
Rót chén nước lá dùng mời khách, châm điếu thuốc, già Mơ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của chàng trai trẻ Hồ Mơ cũng đúng vào cái cái năm quân Mỹ bắt đầu đổ quân xâm lược miền Nam nước ta. Năm 1955, lần đầu tiên Hồ Mơ gặp anh “bộ đội Bác Hồ” dưới xuôi lên cũng là lúc chàng thanh niên 17 tuổi xin gia nhập vào hàng ngũ cách mạng, đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Già Mơ đang chăm sóc những đứa con nuôi, cháu chắt
Năm ấy, chàng trai Hồ Mơ là một trong những thanh niên cường tráng của bản Hê Lơ, thuộc xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Từ việc ngày ngày chỉ biết băng rừng, lội suối săn con thú, bẫy con chim, nay Mơ đã biết theo cầm súng để “săn” thằng Mỹ xâm lược. Hồ Mơ là chiến sĩ thuộc Đoàn 59 - C11. Đến tháng 4/1964, nhờ sự gan dạ và lập được nhiều chiến công nên Hồ Mơ được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng B45 – K54, thuộc Quân khu Trị Thiên - Huế. “Những năm tháng cầm súng chống Mỹ ác liệt lắm. Bây giờ, nghĩ lại mình đã từng cầm súng đánh bao nhiêu trận với thằng Mỹ rồi mình cũng không nhớ nổi” - già Mơ kể.
Trận chiến giữa mùa xuân năm 1969, khi mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì trong một trận tiến công, không may bị quân Mỹ - nguỵ phục kích, anh bộ đội Hồ Mơ đã bị thương nặng, phải di chuyển ra hậu phương miền Bắc để điều trị. Sau gần 12 năm luân chuyển qua nhiều bệnh viện, trạm Quân y khác nhau, năm 1981, Hồ Mơ mới được trở về với một phần thân thể là cái chân phải nằm lại chiến trường và tỷ lệ thương tích là 34%.
Sau khi trở về già Mơ vẫn tiếp tục cống hiến sức lực trong quân ngũ và đến năm 1985, già mới về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.
“Người mẹ” của bản làng
Khí trời nơi miền sơn cước A Dơi cuối chiều êm đềm đến lạ. Những cơn gió nhẹ từ nước bạn Lào thổi sang nặng hơi sương mù bãng lãng trong tiếng chim rừng lảnh lót, tiếng suối róc rách nghe rõ bên tai càng làm cho câu chuyện giữa tôi và già Mơ thêm phần hứng khởi. Già Mơ cởi mở: “Ở vùng này, chẳng có ai có nhiều con cháu hơn già đâu. Cứ Tết đến là chúng nó về quây quần, mỗi bữa thôi cũng đã ăn hết cả con lợn, con bò”.
Già Mơ bảo hiện tại, già có cả thảy 13 người con cùng gần 30 cháu, chắt. “13 đứa con nhưng chỉ có 3 người là con đẻ thôi. Còn lại là con nuôi hết đấy. Nhưng có khi, già còn thương chúng hơn cả con đẻ. Hoàn cảnh chúng nó vốn bất hạnh lại chịu nhiều mất mát lắm…” - già Mơ nhớ như in từng hoàn cảnh bi đát của 10 đứa con nuôi mà chính tay già đã nhận về nuôi nấng nên người.
Đứa con nuôi lớn nhất của già Mơ là chị Hồ Thị Phên (người gốc Lào, ở cạnh bản già Mơ), năm nay Phên đã 43 tuổi, lấy chồng ở xã A Túc (huyện Hướng Hoá). Già Mơ nhận về từ khi gia đình Phên còn ở nơi cũ là xã A Vao (huyện Đăkrông). Đến năm 1981, khi cả nhà làm cuộc di cư lên Prin C (xã A Dơi), già vẫn mang theo chị cùng đi. “Thương tâm lắm! Cha mẹ nó chết vì bệnh sốt rét khi nó mới lên 3 tuổi. Không nơi nương tựa, nó lang thang như con thú giữa núi rừng để kiếm cái ăn, tối đến gặp đâu là ngủ đó”.
Đứa con nuôi nhỏ nhất là Hồ Văn Tiêm (5 tuổi), đang đi học mẫu giáo ở trung tâm xã A Dơi. Cha Tiêm chết do gặp bom bi phát nổ khi đi rà phế liệu sót lại sau chiến tranh. Khi mang thai, mẹ Tiêm vốn mang trong mình nhiều bệnh tật, lúc “vượt cạn” do mất quá nhiều sức nên đã qua đời. Năm 2006, già Mơ nhận về làm con nuôi khi Tiêm đang còn đỏ hỏn. Kế gần Tiêm là Hồ Thị Tun, năm nay đã học lớp 6, cũng là người Lào ở bản Xê Tam Muội (Savẳn-nakhẹt) bố mẹ cũng mất do bệnh tật.
Những đứa con nuôi của “mẹ Mơ”, dù sinh ra ở những nơi khác nhau, những hoàn cảnh mồ côi khác nhau. Nhưng qua hồi ức của cha nuôi, các con đều là những người bất hạnh nhất. Suốt 30 năm qua, già Mơ cứ ngóng khắp các bản làng biên giới như xã Pa Tầng, Thuận, A Túc, A Xing... Cứ đâu có trẻ mồ côi, không nơi nương tựa là già lại gói gém hành trang lên đường đi xin nhận về nuôi ngay.
Người ta gọi già Mơ là “mẹ Mơ” cũng đúng. Bởi, nhận con về, lo cho cả chục đứa ăn uống, khôn lớn đã trăm bề vất vả. Đến khi đứa nào lập gia đình, dù trai hay gái đều được già Mơ cho của hồi môn là một đôi trâu hoặc bò, dựng cho một căn nhà kiên cố và cắt đất đai để làm ăn. Bà con ở trong bản vẫn hay đùa: “Nuôi con cho khôn, cho lớn mà lấy con “mẹ Mơ” là sướng nhất”. Già tâm sự: “Vốn khi sinh ra chúng nó đã chịu nhiều bất hạnh hơn so với người ta. Lớn lên mình nên bù đắp cho chúng nó để làm lành vết thương lòng”. Cụ thể như anh Hồ Văn Thố (sinh năm 1974), nay lấy vợ định cư cùng bản với cha nuôi, cùng vợ và 3 con ở trong cái nhà sàn to đẹp nhất bản, nhà đủ tiện nghi và 2 chiếc xe máy.
Ngọn đuốc soi đường giữa đại ngàn
“Ở vùng biên giới Lào - Việt khác nhau về tập quán phong tục giữa các dân tộc, giữa bốn bề là hàng trăm hec-ta rừng trồng nhưng nhờ có già Mơ mà gần 20 năm nay rừng quanh bản Prin C không hề xảy ra một vụ cháy. Không lần nào có người bạn Lào và người Việt xảy ra một chuyện xô xát” – ông Hồ Văn Phơm, người bản Prin C nói như khoe.
Già Mơ là dũng sĩ diệt Mỹ, là người hiểu biết nhiều nhất bản, là cha nuôi của 10 đứa con ngoan, biết chỉ cho đồng bào hai bên biên giới hãy biết đoàn kết thương nhau, biết chỉ cho bà con cách phòng chống cháy rừng,…
“Đồng bào mình phải được no cái bụng thì nói bà con mới nghe nên già phải giúp dân mình có cái ăn trước đã. Mình thường căn dặn bà con không được chặt cây quý của rừng, không phá rừng cấm làm nương rẫy” - già Mơ tâm sự. Dù chỉ còn một chân đi khập khiểng, lại đông con nhất bản nhưng già Mơ thuộc hàng nông dân sản xuất giỏi và giàu có nhất xã A Dơi. Già đang canh giữ 20 ha rừng, sở hữu 5 ha cao su đã cho khai thác, 8 ha sắn, 5 ha bời lời trồng khai thác lấy vỏ và một đàn 78 con gồm cả trâu, bò, dê. Đó là chưa kể đến lợn, gà, ruộng lúa, hồ cá… Thu nhập của riêng gia đình già mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Già Mơ - ngọn đuốc soi đường giữa đại ngàn
Khi cuộc sống đã ổn định, già Mơ bắt đầu xắn tay giúp bà con dân bản làm kinh tế. Bản Prin C cách trung tâm xã hơn 5km. Năm 1985, chính tay già cùng các con mất 5 tháng trời làm một con đường đi bộ từ xã vào bản Prin C. Nghĩ còn thương bà con quá, già Mơ lại tiếp tục dành dụm tiền thuê máy móc về ủi, san lấp đất làm con đường đất đỏ rộng 5m vào năm 2006 và đến cuối năm ngoái, già Mơ tiếp tục bỏ thêm 30 triệu đồng để hoàn thiện cho đường “hoành tráng” hơn.
Rồi mỗi khi nghe trong xã có người Pa Cô hay Vân Kiều nào mất mùa, nghèo đói, già lại chở gạo, mang tiền đến hỗ trợ. Không những thế già Mơ còn bỏ ra 25 triệu đồng để mua 5 khung gỗ nhà sàn về dựng cho các gia đình nghèo nhất trong bản.
Chia tay già Mơ và những đứa con nuôi, đứa cháu ngoan hiền ra về khi ánh nắng cuối ngày giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn nơi đỉnh trời A Dơi dần tắt, tôi vẫn nhớ như in câu nói đầu chiều của chàng thanh niên Hồ Loang và đồng bào Pa Cô, Vân Kiều: “Ở bản miềng (mình) không có ông già Mơ đâu. Chỉ có “mẹ Mơ” thôi. Nhắc đến “mẹ Mơ” là đồng bào miềng tự hào lắm!”.
Theo Dân trí.