Mấy năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm và trong nước phải tập trung cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, một số ngân hàng cổ phần vẫn đang lãi lớn…
Sản xuất đình đốn, thị trường tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. Trong bối cảnh làm ăn gian nan, vất vả nhưng nhiều nhà băng vẫn báo lãi lớn. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận của một số ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 2.600 tỷ đồng; Ngân hàng Đông Á (bao gồm các công ty trực thuộc) là 776,548 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2011; Sacombank cũng đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2011… Vì vậy, việc ngân hàng thương mại “cười”, còn doanh nghiệp “khóc” thì cái sự không gặp nhau, không thể chia sẻ khó khăn với nhau là điều tất yếu.
Trao đổi với phóng viên, giám đốc một đơn vị kinh doanh tại Hà Nội cho biết, hiện nay doanh nghiệp rất khó khăn về vốn. Bình thường, ngân hàng và doanh nghiệp là bạn đồng hành. Nhưng khi ngân hàng siết tín dụng thì các doanh nghiệp cũng không còn đủ điều kiện để vay nữa khi tín dụng được khơi thông theo chủ trương của Chính phủ. Ngân hàng nói có tiền và sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, thực tế thì doanh nghiệp không thể vay được! Điều này cho thấy, giữa ngân hàng và doanh nghiệp còn bị “ngăn cách” dẫn đến tiếng nói giữa 2 đối tác có sự trái ngược với nhau. Nhận định của vị Giám đốc này cũng là tâm tư của nhiều chuyên gia về tài chính và doanh nghiệp đã nói thẳng là trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ làm động tác “giả vờ” cứu doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, đơn vị này cũng đang phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn trả nợ ngân hàng với hy vọng được vay tiếp duy trì hoạt động. Vị Giám đốc doanh nghiệp này bộc bạch, số tiền vay ngân hàng hiện đang tồn đọng trong ôtô và khách hàng nợ chưa trả cho doanh nghiệp, nếu ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp đáo hạn như mọi năm thì đơn vị vẫn hoạt động bình thường để có tiền trả nợ cho nhà băng...
Mấy ngày nay, doanh nghiệp này đã mang hồ sơ tài sản đang thế chấp đến nhiều ngân hàng, kể cả chấp nhận lãi suất cao nhưng đều bị từ chối, mặc dù trước đây ngân hàng nào cũng đồng ý cho thế chấp tài sản này để vay. “Doanh nghiệp thiếu vốn để hoạt động, lại bất ngờ tình thế, có khi phải đóng cửa mất. Giá như ngân hàng báo trước là sẽ không cho đáo hạn khi hết hạn thì chúng tôi sẽ lo liệu kịp. Đằng này đến cận ngày ngân hàng vẫn nói cho đáo hạn nhưng thực chất là không, chúng tôi không xoay sở kịp. Sau đó, ngân hàng ép doanh nghiệp bán lại tài sản đã thế chấp với giá chỉ bằng 1/3, 1/4 so với giá thị trường. Gia đình tôi thành khuynh gia, bại sản…", ông này chua xót nói.
Đây không phải là trường hợp cá biệt và hầu như không doanh nghiệp nào dám cung cấp cụ thể tên ngân hàng đưa mình vào thế như trên. “Sẽ rất khó để doanh nghiệp cung cấp cho nhà báo thông tin thực tế vì nhiều lý do. Ngân hàng Nhà nước có hạ lãi suất thế chứ hạ nữa thì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vì các ngân hàng sẽ có đủ lý do để doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay. Doanh nghiệp còn đang khó khăn, đang phải cầu cạnh người ta, nói xấu họ thì vay ở đâu? Chỉ còn cách kêu to chung chung lên trên, mong trên sẽ có thay đổi chỉ đạo ngân hàng cứu giúp doanh nghiệp lúc này”, vị Giám đốc này giãy bày.
Không ai muốn các nhà băng kinh doanh tiền phải gánh chịu thua lỗ, vì ngân hàng hoạt động yếu kém sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế, đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng trong điều kiện sản xuất khó khăn, thì sự đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng thương mại để doanh nghiệp còn “đất sống” là điều cần phải làm.
Theo Công lý.