Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã khởi động hoạt động hợp tác thường niên quan trọng nhất với Việt Nam, dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay đến Hà Nội trong các ngày 21 – 23/3, nhân dịp hai nước kỉ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện.
Đoàn gồm các nhà quản lý cấp cao từ 52 công ty Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực gồm năng lượng, công nghệ, sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chuỗi thực phẩm và đồ uống, y tế, hàng không, quốc phòng, du lịch, hậu cần… Đoàn sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và lãnh đạo của nhiều bộ ngành để để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách và các cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư.
3 Đại sứ Mỹ có mặt trong phái đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam: Đại sứ đương nhiệm Marc Knapper, cựu Đại sứ Ted Osius, cựu Đại sứ Michael Michalak (từ trái sang). Ảnh: MH.
Cuộc gặp gỡ báo chí của phái đoàn chiều tối 21/3 khá đặc biệt khi có sự tham dự cùng lúc của 3 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Đại sứ đương nhiệm Marc Knapper; Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC và Đại sứ Michael W. Michalak Phó Chủ tịch Cấp cao của USABC kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực làm đồng trưởng đoàn - cả hai đều là cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Việt Nam là điển hình
Sự tin tưởng này được nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp báo chiều nay. Đại sứ đương nhiệm Knapper cho rằng, việc 3 đại sứ Hoa Kỳ có mặt cùng với đoàn doanh nghiệp nhằm mong muốn "truyền tải thông điệp tới Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam: Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam".
Số doanh nghiệp tham gia đoàn lần này thể hiện cam kết của các doanh nghiệp Hoa Kỳ với thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội kinh doanh - ông nói. "Quan hệ 2 quốc gia ngày càng sâu sắc. Trong 10 năm, thương mại tăng trưởng 360 lần. Đầu tư, quan hệ nhân dân đều gia tăng. Tôi rất tự hào về quan hệ 2 quốc gia và nỗ lực của các doanh nghiệp".
Đại sứ Ted Osius nói: Số lượng doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước tới nay thể hiện niềm tin của cộng đồng kinh doanh với tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam cũng như những ấn tượng về tăng trưởng đã chứng kiến 10 năm qua. "Có nhiều sự quan tâm của Hoa Kỳ với thị trường Việt Nam sôi động" – ông nói.
"Cho dù có những trở ngại và thách thức được dự báo đối với nền kinh tế Việt Nam năm nay, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam" – thông cáo của USABC về đoàn doanh nghiệp.
Ông cũng lưu ý việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Hoa Kỳ, như công ty Vinfast và các doanh nghiệp khác.
Rõ ràng làn sóng chuyển dịch đầu tư khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam và khu vực – Đại sứ Ted Osius lưu ý.
Thế giới đang quan ngại suy thoái, nhưng Việt Nam tăng trưởng 8% năm 2022, dự kiến 6% năm nay, trong khi các quốc gia khác chỉ 5%, cho thấy Việt Nam là trung tâm tăng trưởng toàn cầu. Hơn nữa Việt Nam là thị trường lớn với 100 triệu dân.
Đại sứ Ted Osius cho biết: "USABC chưa bao giờ bận hơn. Nhu cầu tìm hiểu Việt Nam lớn, có nhiều công ty Hoa Kỳ chưa tham gia đầu tư thì bây giờ bắt đầu quan tâm đến VN và cả các quốc gia láng giềng. Trước đây các quốc gia láng giềng nói rằng phải nhanh lên vì cạnh tranh với Việt Nam, giờ họ quan sát thấy Việt Nam là điển hình về tăng trưởng và cơ hội".
Đại sứ Michalak cho biết thêm, đại dịch tăng cường nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giúp nhiều doanh nghiệp sang Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội xem chỗi cung ứng có thể mở rộng thế nào. IPEF hay các liên minh khác được thành lập để tăng cường cơ hội đa dạng chuỗi cung ứng. Có nhiều sự quan tâm vào khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo, quốc phòng và năng lượng
Đại sứ Michael Michalak cho biết, lần này đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tập trung hợp tác trao đổi về thương mại hàng hóa, hướng tới kết nối 2 nền kinh tế sáng tạo hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia và các công ty hai bên.
Phái đoàn doanh nghiệp lần này có sự tham gia đông đảo của các công ty công nghệ hoặc hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo của Hoa Kỳ, như Meta, Apple, SpaceX, Netflix… Trong cuộc gặp với Bộ Kế hoạch Đầu tư chiều nay, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã nghe những chia sẻ về tham vọng biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Nhấn mạnh rằng các công ty Hoa Kỳ có thể đóng góp vào đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại diện công ty Meta, ông Rafael Frankel cho rằng Việt Nam là nền kinh tế, là quốc gia đang thực sự chuyển đổi. Ông đánh giá cao Việt Nam ở 2 yếu tố: Đội ngũ nhân sự có khả năng thích ứng, chăm chỉ, nỗ lực; và tương lai phát triển của Việt Nam với nhiều kết quả tốt trong những năm qua.
"Việt Nam đang theo đuổi và duy trì nền kinh tế mở. Hy vọng chúng tôi có thể đóng góp vào quá trình theo đuổi nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam" – ông nói. Ông tin rằng Meta có thể hỗ trợ thúc đẩy kỹ năng số của 20 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Ông cũng mong muốn có thể duy trì nền kinh tế mở, môi trường Internet mở để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế số 10 năm qua sẽ tiếp tục trong 20 – 30 năm tới.
Phát triển bền vững cũng là lĩnh vực mà các công ty Hoa Kỳ quan tâm. Là nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam, đại diện công ty AES có lịch sử 12 năm hoạt động tại Việt Nam cho biết: Với nền kinh tế tăng rưởng nhanh chóng, nhu cầu điện tăng ở Việt Nam tăng hơn 10% những năm qua và sẽ còn mạnh hơn trong 10 năm tới. AES cam kết đóng góp vào phát triển ở Việt Nam và các sáng kiến năng lượng bền vững, thông minh hơn mà công ty triển khai khắp toàn cầu. 2 dự án của AES đang đóng vai trò đa dạng hóa nguồn cung năng lượng ở Việt Nam. AES sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển cơ chế mua bán điện, đầu tư tư nhân trong ngành năng lượng, công nghệ lưu trữ năng lượng (tích năng) nhằm giảm tắc nghẽn lưới.
Năm nay chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai phía về lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh. Trong đoàn doanh nghiệp có sự tham gia của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực này, như Boeing, Lockheed Martin…
Đại sứ Ted Osius cho biết: Về an ninh, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã áp dụng chính sách đa dạng hóa và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào những hoài bão đó.
Theo tuyên bố của Boeing, lần này họ quan tâm đến hàng không bền vững. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào cách khử carbon cho ngành hàng không, mang lại hiệu quả hoạt động và con đường hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo với trọng tâm là nhiên liệu hàng không bền vững và công nghệ tiên tiến.
Trải thảm đỏ
Đại sứ Ted Osius đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam rất chia sẻ với các thành viên trong đoàn hướng tới việc giải quyết các vấn đề tồn đọng trong môi trường đầu tư kinh doanh. Ông cho biết, trong ngày 21/3, trong cuộc gặp với Bộ Tài chính, đoàn đã đưa ra 17 khuyến nghị và với Bộ Kế hoạch Đầu tư, đoàn đưa ra 14 khuyến nghị tất cả đã được lãnh đạo các bộ đã giải thích, phản hồi nhanh chóng với những giải pháp có thể trao đổi để giải quyết vấn đề sớm nhất có thể.
" Thảm đó đã được trải cho phái đoàn" – Đại sứ Marc Knapper nói. Ông ghi nhận cam kết của Việt Nam là phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết vấn đề và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa 2 quốc gia.
Đại sứ Michalak nhấn mạnh: "Chúng tôi không chỉ nhận được phản hồi mà phản hồi rất tích cực. Có điểm tôi yêu thích ở Việt Nam là Chính phủ luôn sẵn sàng cởi mở, đối thoại. Có rất nhiều cánh cửa cơ hội mở ra mà các doanh nghiệp sẽ bước qua để thúc đẩy quan hệ đối tác".
Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2022 đạt 38 tỉ USD, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ - hai bên đã rất đi nhanh từ cột mốc khiêm tốn ban đầu. (Đại sứ Ted Osius).
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT