Doanh nghiệp kêu khó khăn, xin hoãn tăng lương tối thiểuDoanh nghiệp với lý do tiếp tục gặp khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2012 nên xin hoãn thời điểm tăng lương tối thiểu từ 3 - 6 tháng so với quy định. Tuy nhiên khảo sát cho thấy, nếu không tăng lương, đời sống tối thiểu của người lao động không được đảm bảo. 

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra hai phương án về mức tăng lương tối thiểu áp dụng từ 1/1/2013. Cụ thể, phương án 1 sẽ tăng lên 2.700.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; vùng II là 2.400.000 đồng/tháng; vùng III là 2.130.000 đồng/tháng và vùng IV là 1.930.000 đồng/tháng.

 
Ở phương án 2: Mức 2.500.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I; vùng II mức 2.250.000 đồng/tháng; vùng III mức 1.950.000 đồng/tháng; vùng IV 1.800.000 đồng/tháng.
 
Tuy nhiên tại tại hội nghị lấy ý kiến đề án tăng lương do Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức, Vụ  Tiền lương đưa ra công bố từ Tổng cục Thống kê, có tới gần 26.600 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm (tăng 5,4% so với cùng kỳ). Riêng tại TPHCM có tới gần 70% DN báo lỗ.
 
Với những khó khăn nhìn thấy trong 6 tháng cuối năm, một số DN đã đề nghị hoãn thời điểm tăng lương tối thiểu 3 - 6 tháng so với quy định (1/1/2013). Ông Ngô Chí Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, đưa ra đề xuất, nên dồn thời điểm điều chỉnh lương trong các loại hình DN cùng với thời điểm tăng của khối hành chính sự nghiệp (tức là vào ngày 1/5/2013).
 
Còn đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh phía Nam lại báo cáo không ít DN phía Nam không đóng góp ý kiến cho rằng chỉ nên tăng 10-15% so với mức lương hiện hành hoặc tăng cụ thể từ 300-350 nghìn đồng là phù hợp… Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham gia tại hội nghị không đồng tình với ý kiến “bàn lùi” của DN, bởi hiện đời sống của người lao động (NLĐ) đang gặp rất nhiều khó khăn.
 
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra kết quả khảo sát,  mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Khảo sát này tương đồng với với nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối thiểu theo từng vùng (2 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng I và 1,4 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng IV) mới chỉ đáp ứng được khoảng 57-63% nhu cầu của NLĐ. Trong khi liên tục trong thời gian gần đây, giá điện tăng, nước tăng, xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác đều tăng.
 
Nhận định vấn đề, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Bộ đã lường trước việc điều chỉnh lương tối thiểu  sẽ gây ảnh hưởng đến DN trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo đúng quy định của Bộ luật Lao động là cần thiết, bởi với mức trượt giá như hiện nay, mức lương cơ bản không còn đảm bảo đời sống cho NLĐ. Về phía DN, ông Huân khẳng định, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh hỗ trợ đối với DN thực sự đang gặp khó khăn.
 
Ông Huân cũng cho biết, trong tháng 9 tới, dự thảo điều chỉnh lương tối thiểu trong các loại hình DN sẽ được trình Chính phủ và sẽ được công bố vào tháng 10 tới. Ngoài ra, từ năm 2013 sẽ có Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hội đồng này có nhiệm vụ như một trọng tài điều hành và cân đối quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên gồm người lao động và giới chủ. Từ đó Hội đồng sẽ quyết định mức điều chỉnh lương phù hợp hàng năm.

Theo Dân trí.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC