Ông Phạm Nhật Vượng, bà Mai Kiều Liên, ông Đoàn Nguyên Đức…là những doanh nhân được “xướng” lên trên tạp chí,báo nước ngoài.
Vua cà phê Đăng Lê Nguyên Vũ
Theo giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam, tài sản cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là một con số khá lớn đối với quốc gia chỉ có thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD một năm như Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam rất có tinh thần trọng thương và "Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có". Năm 2011, Trung Nguyên đạt doanh thu 151 triệu USD và dự kiến tăng trưởng 78% năm nay.
Đặng Lê Nguyên Vũ còn có sở thích sưu tập tượng của các danh nhân thế giới như Mao Trạch Đông, Napoleon, Balzac hay Beethoven.
Đặng Lê Nguyên Vũ còn chia sẻ, thay vì sử dụng thuyết âm - dương, văn hóa Việt Nam có lẽ phù hợp hơn với hai hình ảnh dân gian rùa và rồng.
Rùa là động vật kiên cường, cần cù, chăm chỉ. Còn rồng là là biểu tượng của sự may mắn, dám ước mơ và hành động.
Khi được hỏi về tỷ lệ rùa và rồng trong công thức thành công của Trung Nguyên, ông Vũ đã trả lời: "Chúng tôi có hai phần là rùa và ba phần là rồng".
Bầu Đức lọt top doanh nhân quyền lực hàng đầu Đông Nam Á
Trong danh sách 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á do nhật báo tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Jourrnal bình chọn và công bố 2011 có tên ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức.
Đứng thứ 29 trong danh sách những doanh nhân "máu mặt" nhất khu vực, ông Đoàn Nguyên Đức được tờ báo có lượng phát hành hàng triệu bản/số này miêu tả là "một trong những nhân vật chính của nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam".
Theo Wall Street Jourrnal, không chỉ là người nắm giữ lượng của cải lớn của xã hội, ông Đức còn tham gia sâu vào các lĩnh vực kinh doanh cao su, nội thất và thủy điện. "Ông Đức còn sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên kể từ sau chiến tranh chống Mỹ mua máy bay riêng", Wall Street Jourrnal cho biết.
Bà Mai Kiều Liên, nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do tạp chí Forbes bầu chọn.
Bà Mai Kiều Liên, 58 tuổi, hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Vinamilk, một trong những doanh nghiệp được tôn vinh trong những năm qua với doanh số hàng năm gần 1 tỷ USD.
Lãnh đạo Vinamilk được Forbes đánh giá là người "đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á" từ sau 2003 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.
Tạp chí này cũng dành những lời ca ngợi tốt đẹp nhất cho lãnh đạo Vinamilk: "Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam".
Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang được Forbes vinh danh
Trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á vừa được Forbes công bố, có sự góp mặt nữ doanh nhân Việt Nam là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG - xếp thứ 31). Theo bình chọn của Forbes, đây là những nữ doanh nhân đặc biệt, có thành tích chèo lái doanh nghiệp "vượt bão" thành công trong năm 2012, đạt lợi nhuận cao trong thời điểm tăng trưởng kinh tế châu Á giảm sút.
Theo Forbes, bà Phạm Thị Việt Nga, 61 tuổi, bắt đầu nắm giữ chức vụ Giám đốc Công ty DHG từ năm 1988 và đưa DHG bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay. DHG hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm. Năm 2012, lợi nhuận ròng của DHG tăng 18%, đạt 24 triệu USD trên tổng doanh thu 140 triệu USD.
Về Chủ tịch Dược Hậu Giang, Forbes bình luận: "Bà Phạm Thị Việt Nga gia nhập DHG vào năm 1988 trên cương vị tổng giám đốc và nhanh chóng biến công ty được coi là mới nổi, nhỏ yếu và trên bờ vực phá sản thành công ty thuốc có giao dịch công khai lớn nhất đất nước.
DHG sản xuất và thương mại tới hơn 300 dược phẩm khác nhau. Trong năm 2012, lợi nhuận ròng của Dược Hậu Giang tăng 18% đến 24 triệu USD, trên tổng số 140 triệu USD doanh thu".
Ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú thế giới của Forbes
Danh sách năm 2013 có tổng cộng 1.426 cái tên. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng cùng hơn 40 tỷ phú khác đứng đồng hạng 974 với tài sản ròng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng còn được đưa vào danh sách những gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.
Theo tạp chí này, ông Vượng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới từ trước đến nay.
Nếu tính theo tài sản trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 2/2013, ông Vượng có giá trị cổ phiếu là hơn 19.000 tỷ đồng (chưa đầy 1 tỷ USD). Tuy nhiên, thống kê của Forbes có những tài sản ngoài cổ phiếu và con số của tạp chí này về Chủ tịch của Vingroup lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo VEF.