Doanh số giảm, sức mua ở mức thấp dù nhiều đại lý, nhà sản xuất xe tung đủ chiêu kích cầu.
Xe ế không phải do nghỉ Tết
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng tháng 1/2023 của toàn thị trường đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với tháng 1/2022.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1/2023 gồm gồm xe 14.036 du lịch; 3.174 xe thương mại và 104 xe chuyên dụng.
Doanh số này so với tháng 12/2022 đã giảm sút mạnh trên tất cả các phân khúc. Cụ thể, doanh số xe du lịch giảm 49%; xe thương mại giảm 59% và xe chuyên dụng giảm 62% so với tháng 12/2022.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022 và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng 12/2022
Với riêng các thành viên VAMA, doanh số bán hàng tháng 1/2023 được công bố là 13.998 xe, giảm 53% so với doanh số bán tháng 1/2022 và giảm 54% so với doanh số bán tháng 12/2022.
Các thành viên ngoài VAMA cũng ghi nhận tình trạng bán hàng không khả quan trong tháng 1/2023.
Đơn cử TC Motor - nhà sản xuất và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam - bán được 3.496 xe Hyundai trong tháng 1/2023, bằng 1/3 so với doanh số 9.545 xe bán trong tháng 12/2022.
Mặc dù nhiều hãng ôtô cho rằng, việc nghỉ Tết Nguyên đán dài trong tháng 1/2023 đã khiến sức mua suy giảm trên mọi phân khúc và hy vọng, giai đoạn tới sẽ có sự khởi sắc của thị trường.
Tuy nhiên không khó để nhận ra thị trường ô tô đang có nhiều dấu hiệu suy giảm liên tiếp vài tháng gần đây.
Cụ thể, vào tháng 11/2022, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 36.371 xe, giảm 0,5% so với tháng 10/2022 và giảm 6% so với tháng 11/2021.
iệc ngân hàng thắt chặt cho vay tiền tiêu dùng nói chung và mua xe nói riêng, cũng như lãi suất vay tiền ngân hàng tăng cao cũng khiến người dùng phải cân nhắc rất nhiều khi mua xe, ngay cả khi có nhu cầu.
Trước tình trạng này, các hãng ô tô lập tức ồ ạt tung các chương trình kích cầu bán hàng lớn, mong vực lại doanh số cho các mẫu xe của mình.
Chẳng hạn, Honda tung chương trình khuyến mại 100% phí trước bạ cho 2 mẫu xe bán chạy nhất là City và CR-V, Toyota cũng giảm giá đến 50 triệu cho mẫu Vios hay Hyundai Santa Fe, Tucson giảm giá đến 50-100 triệu cho khách mua dù chỉ cách đây nửa năm, người dùng còn phải trả một khoản tiền chênh tương tự để sớm nhận xe.
Tiếp tục sang tháng 12/2022, doanh số bán ô tô toàn thị trường chỉ đạt 35.301 xe, tiếp tục giảm 3% so với tháng 11 trước đó và giảm 24% so với tháng 12/2021.
Nhìn một cách tổng quát, sản lượng tiêu thụ xe ôtô bắt đầu suy giảm đột ngột từ quý IV 2022, bất chấp sự cải thiện đáng kể về nguồn cung linh kiện cũng như tăng trưởng kinh tế vĩ mô được ghi nhận kết quả tích cực.
Tổng hợp của VAMA cho thấy, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường trong quý IV 2022 (xét riêng với xe du lịch) là 104.735 xe, giảm 14,25% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng tiêu thụ thấp nhất là vào tháng 12/2022, đạt 36.348 xe, giảm 34,02% so với cùng kỳ trong khi đây vốn là thời điểm được kỳ vọng nhất trong năm về tăng trưởng.
Thị trường sẽ còn khó
Mặc dù một số người lạc quan cho rằng do nghỉ Tết dài nên lượng xe bán ra giảm nhưng thực tế đã xuất hiện không ít lo lắng về viễn cảnh thị trường trong năm 2023.
Doanh số một vài hãng xe lớn tại Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2023.
Theo một đại lý bán xe của Toyota tại Hà Nội, những tháng đầu năm 2022, khi sức mua ôtô của người dân tốt thì gặp phải tình trạng thiếu chíp nên lượng xe bán ra bị hạn chế. Từ tháng 8 (hay 9) trở đi lượng xe cung cấp của các hãng đã ổn định hơn do khắc phục được tình trạng thiếu linh kiện thì việc cho vay tín dụng tiêu dùng bắt đầu xuất hiện khó khăn khiến việc bán xe gặp những trở ngại nhất định.
Các doanh nghiệp có quan hệ tốt với ngân hàng thông qua lượng tiền gửi có lợi thế hơn vẫn được ngân hàng đồng hành cùng chương trình bán xe trả góp. Tuy nhiên, một số nơi thì không vậy, thậm chí tới tận khi đại lý làm giấy tờ xong vào tên khách hàng thì ngân hàng mới từ chối giải ngân vì hết room tín dụng.
Điều này khiến nhiều đại lý phải gắng "gồng mình" để giữ khách mua xe, tuy nhiên do giá trị xe ôtô cũng không nhỏ nên không thể gồng được lâu, dẫn tới lượng xe bán ra bị ảnh hưởng bởi với nhiều hãng, lượng xe bán thông qua trả góp cũng chiếm khoảng 60-70% doanh số, nhất là các đối tượng khách hàng mua xe để kinh doanh.
Còn theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, kinh tế nói chung đang có những khó khăn nhất định. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác đem lại bởi khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt trở nên căng thẳng từ sau giai đoạn dịch bệnh.
Dự báo trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Trước thực tế bán hàng giảm sút, các doanh nghiệp ôtô buộc phải giảm giá, tăng hỗ trợ trong đó nhiều đơn vị hỗ trợ phí trước bạ để kích cầu.
Chẳng hạn, Honda Việt Nam trong tháng 2/2023 đã quyết định hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho CR-V và City; trong khi Nissan Việt Nam ưu ái sedan Almera và Mazda Việt Nam ưu đãi CX-5 đều theo cách tương tự. Suzuki và MG ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Ertiga Hybrid và sedan MG5.
Một số mẫu xe khác được giảm giá trực tiếp bằng tiền mặt hoặc tặng quà như Peugeot 2008 ưu đãi tới 31 triệu đồng, KIA K5 được ưu đãi 40-50 triệu đồng tùy phiên bản.
BMW Việt Nam (thuộc THACO) cũng giảm giá trực tiếp cho hầu hết các mẫu xe trong danh mục sản phẩm, cao nhất tới 300 triệu đồng cho sedan cỡ lớn Series 7.
Chiếc Series 3 ăn khách cũng được giảm 35 triệu đồng so với mức giá đề xuất từ 1,399 tỉ đồng. Dù vậy, sức mua vẫn ở mức khá thấp. Điều này khiến các chuyên gia cũng như giới kinh doanh trong ngành không mấy lạc quan về bức tranh thị trường xe trong thời gian tới.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT