Đòi nợ thuê, mỗi tháng kiếm 2 tỷ đồng Với dịch vụ đòi nợ, người hay nhóm trực tiếp đi thu tiền sẽ được hưởng 40% mức phí dịch vụ công ty thu của khách hàng.

 “Cao thủ đòi nợ thuê có thể thu về một vài tỷ đồng mỗi tháng là chuyện bình thường, nên mức thu nhập 20, 30 chai/tháng chả là cái đinh gì!”. Nhân viên đòi nợ thuê chỉ 1- 2 năm làm việc đã mua được nhà sang ở Sài Gòn, sắm được xe xịn hoàn toàn không phải chuyện lạ.

Chỉ khoảng 100 người “sống với nghề”

Qua mấy tầng lớp vòng vèo nhờ các mối quan hệ quen biết giới thiệu, tôi tiếp xúc được với ông H.L, dân gốc Hải Phòng, chủ của một công ty chuyên đòi nợ thuê tại TP.HCM. Khi tôi hỏi dò: “Thu nhập của một nhân viên thu nợ giỏi, tạm gọi là "cao thủ" đòi nợ của công ty được hai, ba chục chai (hai, ba chục triệu đồng)/tháng không?”, ông ngắt lời ngay: Mức đó thì không việc gì phải theo nghề đòi nợ!

Ông phân tích, lương cứng của nhân viên thu nợ thì cũng bình thường, nhưng thu nhập chính của họ là phần trăm (%) từ doanh số nợ thu được. Người hay nhóm trực tiếp đi thu tiền sẽ được hưởng 40% mức phí dịch vụ công ty thu của khách hàng.

 

Đòi nợ thuê, mỗi tháng kiếm 2 tỷ đồng_0

Để đòi được nợ, chủ nợ phải chi cho công ty đòi nợ lên đến 50% khoản tiền cần đòi, song rất nhiều ngườivẫn tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê, vì đa phần đó là những khoản nợ khó đòi.

Giả sử một hợp đồng thu nợ trị giá 500 triệu, phí dịch vụ công ty thu của khách hàng là 30% thì người trực tiếp đi làm sẽ được hưởng 60 triệu đồng! “Cao thủ đòi nợ thuê có thể thu về một vài tỷ đồng mỗi tháng là chuyện bình thường, nên mức thu nhập 20, 30 chai/tháng chả là cái đinh gì!”, ông H.L quả quyết. Và cũng vì thế, chuyện nhân viên đòi nợ thuê chỉ 1- 2 năm làm việc đã mua được nhà sang ở Sài Gòn, sắm được xe xịn hoàn toàn không phải chuyện lạ.

Ngoài mức phí dịch vụ đòi nợ thuê, chủ nợ còn phải hỗ trợ cho công ty đòi nợ phí thẩm định thông tin về hồ sơ chứng từ, cũng như năng lực tài chính, xác minh nhân thân của "con nợ".

Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng TP.HCM, tính đến đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố có 19 công ty dịch vụ đòi nợ thuê, với khoảng 160 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, trong mỗi công ty đều có những bộ phận không trực tiếp đi đòi thuê, như lễ tân, hành chính, kế toán,... nên con số nhân viên đòi nợ thuê (tên chính thức trên giấy tờ của họ là nhân viên thu nợ) ước chừng chỉ khoảng hơn 100 người. Chỉ riêng con số này đã thấy đây là một nghề hơi bị... hiếm.

Để trở thành nhân viên thu nợ thuê, với mức lương khởi điểm trên 10 triệu/tháng cộng doanh thu cao, yêu cầu đầu tiên là có kỹ năng đàm phán tốt, hoạt bát, biết ăn nói, không cần trình độ cao, kinh nghiệm nhiều.

“Cứ chửi đi, miễn trả nợ là được”

Công việc của dân đòi nợ thuê được mô tả tóm tắt: thực hiện các bước điều tra xác minh khách nợ (thuật ngữ dân trong nghề chỉ bên nợ hay dân gian vẫn gọi là con nợ), đàm phán với khách nợ, thu tiền về công ty.

Mô tả thì đơn giản nhưng thực tế công việc của họ là toàn lao vào “điểm nóng”, nguy hiểm trong không ít trường hợp, vì tâm lý chung của con nợ là không muốn trả tiền. Để tránh nguy hiểm, các nhân viên đòi nợ đều làm việc theo nhóm. Mỗi nhóm phụ trách nhiều hồ sơ thu nợ khác nhau, và nhóm trưởng sẽ sắp xếp thời gian để làm việc với từng khách nợ cho hợp lý.

Anh Th., vốn xuất thân từ lái xe cho một công ty thu nợ thuê, học dần ngón nghề, sau đó mới xin vào làm cho một công ty đòi nợ thuê khác, kể lần đầu đi làm, khách nợ không hợp tác mà gọi công an. Lúc đó mình thiếu kinh nghiệm, lúng túng nên công an cứ tưởng là giang hồ, là xã hội đen. Họ còn vén áo từng người lên để xem có xăm trổ hay giấu vũ khí nóng gì không. “Mãi sau tôi mới bình tĩnh trình giấy tờ, pháp nhân đầy đủ nên được “thả” về, nhưng cái cảm giác bị đưa về đồn lúc đó tôi không thể quên được.”

Dân đòi nợ thuê dù hợp pháp hay không hợp pháp thì việc thường xuyên bị mắng chửi là điều họ "nghe riết và thấy bình thường. Bị mắng chửi là: “đồ đầu trâu mặt ngựa”, “đồ phá làng phá xóm”, “đồ vô công rỗi nghề”, “đồ đầu trộm đuôi cướp”,... là những câu nhẹ nhàng nhất, những câu nặng hơn thì không kể ra được, nhưng nghe riết thành quen. Cứ chửi đi, miễn trả tiền là được!", anh Th. nói phương châm của mình.

Kinh tế khó khăn, nợ khó đòi ám ảnh không chỉ dân làm ăn mà còn với những món nợ mang tính chất “thân tình” cũng không đòi được. Vì thế, nhiều chủ nợ khốn khổ đã tìm đến các công ty đòi nợ thuê, coi như niềm hi vọng cuối cùng để “lấy được đồng nào hay đồng đó”. Vì thực tế mức phí các công ty này đưa ra rất cao, từ 15 đến 50% tùy số tiền cần thu hồi, ngoài ra còn có chi phí xác minh, thẩm định điều tra và cả phí công tác nếu nơi cần đòi nợ ở xa.

Sở dĩ các chủ nợ chấp nhận mức phí cao như vậy vì các khoản nợ đã chuyển đến công ty đòi nợ là những khoản nợ xấu, chủ nợ đã dùng đủ trăm phương ngàn cách nhưng vẫn không đòi được.

Cho nên, thu nhập cao của nhân viên đòi nợ quả là mơ ước nhưng có rất ít người làm được. Mỗi nhân viên có một “bí quyết” riêng để đòi nợ, thường là họ giấu tịt, nhưng nói chung, người đòi nợ thuê cần có năng khiếu “thuyết khách” để đàm phán với khách nợ. Cần phải biết kiên trì, không ngại va chạm để thu được tiền về. Và một điều không thể thiếu là phải am hiểu pháp luật để không phạm luật, để tránh bước qua những ranh giới mong manh có thể dẫn họ đến vòng lao lý.

Theo Tri Thức.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC