Ngày 10 tháng 1 năm 2024 một lá Đơn Cầu Cứu được ký bởi Tập thể phụ huynh trường Tiểu học Đông Thọ - thành phố Thanh Hóa, gửi các lãnh đạo của tỉnh và các cơ quan báo chí, tố cáo bà hiệu trưởng Vũ Thị Thúy Hà “ăn bớt tiền ăn bán trú” của học sinh trường Tiểu học Đông Thọ (hình 1),
kèm theo là file ghi âm một cuộc trao đổi của bà Hà với giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Phúc Nguyễn là đơn vị đang cung cấp cung cấp dịch vụ nấu ăn cho học sinh và giáo viên của trường, trong đó thể hiện nhiều nội dung rất nghiêm trọng (3).
Theo đó, mỗi suất ăn của học sinh trường Tiểu học Đông Thọ, Công ty Phúc Nguyễn sẽ phải trích lại cho bà Hà số tiền là 7.000 đồng (năm ngoái là 7.500 đồng). Trường Đông Thọ có 1.500 học sinh.
Theo như trong đơn, phụ huynh tính ra rằng mỗi tháng công ty này phải trích lại cho bà hiệu trưởng số tiền 231 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Phúc nguyễn còn phải trả lương cho cán bộ Y tế và Bảo vệ của nhà trường, đồng thời bà Hà còn yêu cầu Công ty Phúc Nguyễn “hỗ trợ” 150 triệu đồng cho việc sửa chữa văn phòng, nhà bếp và mua sắm vật dụng và được công ty này đồng ý (trong khi đây là những khoản tiền đã chi từ nguồn thu đầu vào bán trú lớp 1).
Đơn còn phản ánh một số nội dụng nghiêm trọng khác rút ra từ file ghi âm, như tiền ăn của giáo viên, tên một số hiệu trưởng khác đang được công ty này cung cấp dịch vụ, những “chỉ đạo” mua gạo của một sếp nào đó, v.v..
Lá đơn viết:
“Chúng tôi là những người dân lương thiện, có con đang học tại trường Tiểu học Đông Thọ.
Khi nghe được đoạn ghi âm trên, ngay như người ngoài ngành như chúng tôi cũng có thể hiểu được hành vi và các khoản ăn chặn của bà Hà rất rõ ràng. Chúng tôi vô cùng đau lòng và bức xúc trước hành vi của bà Vũ Thị Thúy Hà.
Nhưng vì chúng tôi có con đang học tại trường nên chúng tôi không dám đứng tên ra mặt tố cáo bà Hà vì chúng tôi lo sợ con chúng tôi sẽ bị trù dập, bị xa lánh và cô lập gây ảnh hưởng đến học tập và phát triển của con em sau này”. Ở một đoạn khác: “Chúng tôi thừa hiểu những khoản chi phí trên công ty đều phải cắt xén từ chính suất ăn của học sinh. Vậy thì lương tâm nghề nghiệp của công ty ở đâu? Công ty có xứng đáng để chúng tôi giao phó sự sống hàng ngày của con em chúng tôi cho công ty hay không?”
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 tháng, không thấy một cơ quan báo chí nào lên tiếng phản ánh sự việc này; một số tài khoản mạng xã hội (là phụ huynh của trường Đông Thọ) đăng tải thông tin thì cũng nhanh chóng bị xóa hoặc gỡ bài. Tất cả chìm trong im lặng đáng sợ.
Bất ngờ, đến ngày mùng 7 tháng 3 năm 2024, một quyết định được ban hành, cho bà Vũ Thị Thúy Hà thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thọ theo nguyện vọng cá nhân (hình 2).
Suốt từ trước Tết Nguyên đán đến bây giờ, cá nhân tôi đã không ít lần nhận được Đơn Cầu Cứu cùng file ghi âm nói trên, do các phụ huynh chia sẻ.
Tôi nói, sự việc quá nghiêm trọng và đã có bằng chứng rõ ràng như thế thì hãy chờ các “cơ quan chức năng vào cuộc” và báo chí lên tiếng. Tuy nhiên, sau mọi sự im lặng, chỉ thấy một quyết định cho thôi chức vụ “theo nguyện vọng cá nhân”, ngoài ra không biết sự vụ này thực hư thế nào.
Xét thấy những mờ ám và tính chất nguy hiểm của bản thân sự việc lên môi trường giáo dục địa phương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng ngàn học sinh - giáo viên, nó cần được làm sáng tỏ.
- Có hay không hành vi ăn chặn và tham ô của bà hiệu trưởng Vũ Thị Thúy Hà và hành vi hối lộ của Công ty Phúc Nguyễn như phụ huynh đã “Cầu cứu” trong Đơn?
- Vị “sếp” đã “chỉ đạo” đến cả việc mua gạo trong đoạn băng ghi âm là ai?
- Tại sao tất cả đều im lặng?
- Vì sao bà Hà xin thôi chức hiệu trưởng, nó có liên quan gì tới nội dung trong lá đơn của phụ huynh hay không?
Nếu Đơn Cầu Cứu của tập thể phụ huynh trường Tiểu học Đông Thọ là đúng sự thật thì bà Hà không thể chỉ được cho thôi chức “theo nguyện vọng cá nhân”, mà phải bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Công ty cung cấp dịch vụ Phúc Nguyễn cũng phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sự hấp dẫn lợi ích từ bữa ăn bán trú và những nội dung khác, như đồng phục học sinh, bút, vở in logo và rất nhiều các khoản thu khác đã trở thành nỗi nhức nhối, tàn phá môi trường giáo dục suốt bao nhiêu năm qua.
Từ các thông tin công khai trên báo chí về các trường hợp cắt xén bữa ăn một cách tàn nhẫn ở nhiều ngôi trường, tôi tin rằng, đây không phải là hiện tượng cá biệt đơn lẻ. Và vì thế, nó cần được làm trong sạch trên quy mô hệ thống bằng sự nghiêm minh của pháp luật.
Một khi lợi ích vật chất và các tiêu cực ngày càng nghiêm trọng đã len lỏi, hiện diện và lũng đoạn môi trường học đường, thì khó có một “công cuộc đổi mới giáo dục” nào có thể tiến hành thành công được.
Đây cũng chính là vấn đề hệ trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đặc biệt quan tâm và có đối sách, để những đổi mới về chuyên môn đang được tiến hành bởi Chương trình 2018 có thể triển khai hiệu quả.
Trước hết, để giải quyết vấn đề to lớn và nghiêm trọng này [tức làm trong sạch môi trường giáo dục], hãy bắt đầu từ lá Đơn Cầu Cứu của tập thể phụ huynh trường Tiểu học Đông Thọ.
Để một sự việc có tính chất nguy hại và nguy hiểm như thế chìm vào im lặng như không có chuyện gì, là có tội với học sinh, phụ huynh và người dân.
Nhà giáo Thái Hạo