Các doanh nhân vẫn nói với nhau, chúng ta đang trong thời kỳ cực kỳ gian khó, khi mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) có thể đã phá sản hay ngưng hoạt động. Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, còn chứng khoán liên tục mất giá…
Trong tình cảnh khốn khó này, nhiều người chợt giật mình khi đặt câu hỏi: Tiền đang đi đâu và vì sao nên nỗi…
Thời dòng tiền còn "son rỗi"
Không hiểu sao đã có thời dòng tiền chảy phơi phới, ai cũng thấy mình giàu có vì tiền bạc rổn rảng, giá bất động sản tăng cao, ngay cả căn nhà thân thuộc mình đang ở cũng bỗng chốc có giá trị đến không ngờ.
Người người, nhà nhà xếp hàng bốc thăm lấy phiếu mua BĐS lời, hễ mua được giá gốc dù là giá tính bằng hàng ngàn USD và hợp đồng mua bán nhiều bất cập thì cũng sang tay kiếm lời ngay tắp lự.
Thị trường chứng khoán cũng hòa nhịp, cất cánh bay cao với giá các cổ phiếu tăng vọt 5% - 10% mỗi ngày.
Bạn không cần phải động não suy nghĩ chiến lược kinh doanh gì cho mệt, chỉ cần xếp hàng, chỉ cần mua được một mớ cổ phiếu là hôm sau giá bán tăng cao, có bán lúa non cũng có lời.
Đó là lúc dòng tiền chảy sôi nổi, ào ạt bên ngoài xã hội, còn dòng tiền vay mượn, lưu chuyển, đối lưu của các nhà băng thì cũng đang chảy với cùng tốc độ nhưng bí mật từ bên trong.
Dòng tiền này mang lại lợi nhuận lớn và liên tục cho hệ thống ngân hàng trong suốt từng đó năm trở lại đây.
Thế mà cũng tới lúc các "nhà đầu tư" và sản xuất kinh doanh thấm mệt sau nhiều vòng quay vốn mệt mỏi, khi mà lãi suất tăng vọt với lý do "lạm phát cao". Còn tại sao "lạm phát cao" lại là câu chuyện của "nhà kinh tế vĩ mô"!
Chỉ biết là lãi suất cho vay được đẩy lên cao tới mức 25% - 30%/năm so với tình hình chung của thế giới và các nước trong khu vực chỉ có vài phần trăm.
Cái bẫy của "lòng tham" đã sập xuống. Các "con mồi" chính là các "con nợ" đã lỡ vay mượn ngân hàng quá nhiều mà thiếu thông tin hoặc không may mắn chạy thoát khỏi cuộc chơi lớn mang tầm vĩ mô này. Dòng tiền như dòng nước rút đi nhanh như thủy triều xuống, cũng ồ ạt như thác lũ khi dòng tiền "son rỗi" ập đến, để trơ lại trên bãi chiến trường là các nạn nhân mắc cạn, bỗng nhiên thấy quá đói khát dòng vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh chính yếu của mình.
Dòng tiền đã chảy trôi đi đâu mất cả rồi!
Một phần nguồn lực rất lớn của xã hội, của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất kinh doanh đã nhất thời, lỡ trớn, đổ dồn vào bất động sản và cổ phiếu với các giá trị thời còn cao vọt và nay chẳng còn bao nhiêu. Ai cũng thấy mất mát trừ các nhà băng thì dù dòng tiền đang chảy ở đâu suốt mấy năm qua vẫn có lợi nhuận cao một cách bất thường.
Tuy vậy, trong cuộc chơi lớn này thì rủi ro không chừa một ai. Một con bạc thắng quá nhiều của các con bạc khác thì cũng khó mà ra về an toàn. Đó là lý do mà hiện nay các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro nợ xấu doanh nghiệp vay vốn mất khả năng chi trả, xiết nợ bằng tài sản thế chấp thì giá trị cũng đã giảm nhiều, khó bán, lại không dễ dàng gì về mặt pháp lý.
Dòng tiền chảy khuất lấp, mờ tối, lươn lẹo ở đâu mà doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó vay vốn với lãi suất thấp, dù đã có nhiều chủ trương hạ thấp lãi suất nhiều lần? Rốt cuộc ... doanh nghiệp vẫn phải chèo chống với việc vay lãi suất cao khi quá đói khát nguồn vốn kinh doanh sản xuất.
Đồng tiền thời khốn khó
Qua thời "son rỗi" trở lại với nghề kinh doanh chính - "nhất nghệ tinh". Sau thời sôi nổi, nhảy ra kinh doanh các lĩnh vực không chuyên, trái nghề, "ăn xổi" với các cơ hội làm giàu nhanh bằng cổ phiếu và bất động sản ... Đến nay, các doanh nghiệp "thấm đòn", nhận chân ra các giá trị cốt lõi của ngành nghề chuyên sâu của mình.
Cái khó hiện nay chính là dòng tiền giờ đã không còn "son rỗi" nữa mà đã chuyển qua thời kỳ của dòng tiền thời "khốn khó". Đồng tiền kiếm được khó biết bao, không còn dễ dãi như ngày xưa."Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Các dòng tiền vay mượn không dễ dàng, lãi suất cao, chỉ được vay mượn khi quá cần kíp, tiền vào rồi thì chỉ đủ đắp đổi cho các chi phí lương nhân viên, bổ sung vốn lưu động, các thương vụ có vòng quay vốn nhanh và lợi nhuận cao ...
Dòng tiền vào DN rồi chảy ra nhanh như giặc "thổ tả" ... các doanh nghiệp thấy đói mà không dám ăn, thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí, bớt ăn tiêu xa xỉ như thời xưa tích cũ. Chi phí lãi suất và các chi phí thuộc loại "bôi trơn", chi phí do thủ tục hành chánh chậm... giờ trở thành gánh nặng hơn bao giờ hết, khiến DN ngắc ngoải vì đã lỡ "phóng lao phải theo lao".
Ngay cả các cán bộ tín dụng các ngân hàng "vang bóng một thời", giờ cũng phải tới phiên lo lắng, lo sao cho đủ các chỉ tiêu cấp trên giao về doanh số/lợi nhuận/thị phần, lo khách hàng DN không trả kịp các khoản vay, lo cả việc hỗ trợ khách hàng "đão nợ" vì dòng tiền đã không còn hiền như trước nữa.
Đường phố Sài gòn vẫn ầm ào đông đúc, không ngủ, nhưng nếu hơn 8 giờ sáng mà bạn không thấy các cửa hiệu hé mở hoặc chỉ nhìn thấy một bảng nhỏ thông báo "sang nhượng", "cho thuê mặt bằng" thì chúng ta tạm biết rằng thêm một DN nữa gặp khó khăn phải tạm nghỉ, đóng cửa.Ở đó, có ông chủ DN đang tuyệt vọng nhìn cơ nghiệp do mình tâm huyết tạo dựng nay có nguy cơ bị "dòng tiền thời khốn khó" hút đi mất.
Nếu bạn làm doanh nghiệp hay kinh doanh, thì sẽ dễ thấy rằng bạn bè, đồng nghiệp của mình hình như khó khăn hơn, số người vay mượn tiền trong bạn bè anh em tăng lên, có lẽ vì kênh vay ngân hàng đã trở nên khốn khó hơn nhiều. Gương mặt của các chủ DN trở nên lo lắng, nhăn nheo hơn bao giờ hết.Khi các giá trị truyền thống bị thử thách và đảo lộn thì cũng là dịp để chúng ta xem lại chính bản thân mình, tại sao lại ra nông nỗi như vậy?
Chúng ta kinh doanh để làm giàu hay để tạo ra các "giá trị gia tăng" cho bản thân và xã hội? Nếu chỉ đơn giản thúc dòng tiền quay vòng nhanh bằng một số công cụ vĩ mô "phi thị trường" kiếm lợi nhuận từ các lợi thế cạnh tranh và ưu thế có tính "phi thị trường" thì liệu có tạo ra giá trị gia tăng gì cho số đông người dân? Tăng trưởng GDP của quốc gia như vậy thì các nước trên thế giới đã cố gắng loại bỏ từ rất lâu rồi.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp buộc phải thắt lưng buộc bụng, nằm gai nếm mật, chuyển mình thay đổi, mạnh dạn cắt bỏ hẳn hoặc tạm thời các sản phẩm dịch vụ không có tính thanh khoản nhanh hoặc lợi nhuận không cao.
Tìm kênh huy động vốn khác kênh ngân hàng, hoặc tìm ngân hàng khác nếu không thương lượng được lãi suất vay thấp phù hợp với loại hình kinh doanh của mình. Cắt giảm tối đa các chi phí hoạt động đến mức có thể, tiết kiệm điện, nước, điện thoại, tiền thuê xe, vận tải, tiếp khách, quà tặng ..v.v.. dù rằng phải nói lời xin lỗi trong muôn vàn "mắc cỡ" với các đối tác.
Thời khốn khó với dòng tiền hung hãn, cay nghiệt, mất giá mãi theo giá vàng và đô la liệu sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?
Dù sao, chúng ta cũng phải biết nuôi hy vọng. Các giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, mỗi người dân từ ngàn đời nay, các nhà doanh nghiệp can trường với tinh thần doanh nghiệp không sợ thất bại, các nhà lãnh đạo với "năng lực và lòng trung thực" rồi sẽ thắng thế, sẽ giúp con thuyền "nền kinh tế" Việt Nam vượt qua thời kỳ gian khó này.