Từ xa xưa, rằm tháng 7 được gọi là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày các cô hồn được người trần cúng lễ. Bởi vậy, trên dương thế, mọi gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên đồng thời đốt vàng mã và phóng sinh.
Song, đi cùng mặt trái thị trường, việc đốt vàng mã và phóng sinh đã bị người ta lạm dụng, đi quá giới hạn tâm linh.
Tiền tỉ bay theo tàn tro
Mùa lễ Vu Lan ở Hà Nội năm nay bắt đầu từ rất sớm. Ngay những ngày đầu tháng 7 âm lịch, trên các đường phố đã xuất hiện nhiều gánh hàng rong bán quần áo, mũ mão thần linh. Con phố Hàng Mã, Lương Văn Can… oằn mình chứa bao thứ hàng mã và đón những dòng người đến đông như đi hội.
So với năm trước, năm nay, giá cả các mặt hàng vàng mã đều đắt hơn gấp 2-3 lần bởi giá nguyên vật liệu (giấy, phẩm), công vận chuyển tăng (xăng, dầu tăng). Ví như năm trước: một chiếc ti vi giấy có giá 20 nghìn đồng thì nay là 45 nghìn đồng.
Tính sơ sơ, nếu sắm đủ bộ lễ dành cho người đã khuất: quần áo, nón mũ, dép guốc, tiền vàng, ti vi, xe máy, nhà cửa… thì phải mất 300- 400 nghìn đồng.
Có không ít người bỏ tiền ra chơi trội, muốn người đã khuất phải được “hưởng thụ” những đồ đạc mà trần gian đang thịnh hành. Đa phần họ không bao giờ mua ở những gánh hàng rong, hay những quầy trong chợ mà vào hẳn nơi sản xuất đặt cho đúng ý nguyện.
Họ có hàng ngàn lí do bỏ tiền triệu mà mình dày công kiếm được để rước những đồ rởm hóa cho người đã khuất. Bà Giang ở phố Lãn Ông đã về “lò” vàng mã ở Yên Hòa tìm đặt cho ông chồng già quá cố chiếc ô tô thể thao Chevrolet Corvette Z06 hiện rất “hot” trên thị trường với kích thước, kiểu dáng y như xe thật.
Theo bà thì lúc ông còn sống gia đình nghèo khó, xe máy chẳng có mà đi. Nay ông thác, bà muốn ông “nở mặt, nở mày với ông bà tiên tổ”, tậu hẳn xe trị giá 1,5 triệu đồng cho ông “đáng mặt anh tài”! Và bà cũng không quên “thửa” cho ông chiếc bằng lái xe mang tên ông có dấu triện đỏ để dưới âm ty, ông khỏi bị cảnh sát tuýt còi (!).
Một chị có cậu con trai chưa qua tuổi đôi mươi đã bị Diêm Vương lôi đi khi bị dính AIDS. Lễ Vu Lan cũng là ngày con trai chị tổ chức “sinh nhật” đầu tiên dưới suối vàng. Theo chị tâm sự thì con trai chị có tính lăng nhăng, chơi bời, trác táng.
Chị không muốn ở dưới địa ngục, con bị mắc AIDS một lần nữa nên đã quyết định tặng con trai mình… vài chục gói bao cao su bằng giấy!
Không phải kẻ lắm tiền nhiều của mới chơi sang, mà có người nhà nghèo nhưng vẫn đi vay mượn vài trăm nghìn của người thân cố sắm những vật dụng đắt tiền đốt cho người chết.
Tất cả thành tro bụi để rồi ngày hôm sau họ phải chắt chiu từng đồng bạc lẻ trả nợ. Nếu biết như vậy, người âm chỉ còn biết khóc cho những việc làm ngớ ngẩn của người trần thế.
Những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về vấn nạn này. Tệ đốt vàng mã đã gây ra sự lãng phí lớn về mặt kinh tế cho xã hội. Năm nay, giá vàng mã cao hơn năm ngoái do giá nguyên liệu tăng chóng mặt.
Tuy vậy, sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với việc có hàng trăm tỉ đồng sẽ bị thiêu rụi trong dịp rằm tháng bẩy này. Nếu trung bình mỗi gia đình đốt 20 nghìn tiền vàng mã, với 13 triệu gia đình thì chỉ một mùa lễ Vu Lan, nước ta đốt khoảng 260 tỷ đồng. Món tiền quá lớn đối với một nước nghèo.
Thảm cảnh chim bị hành hạ vì…. phóng sinh
Không chỉ đua nhau đốt vàng mã tràn lan, nhiều người còn lạm dụng phóng sinh. Tại dọc đường Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân… những ngày rằm tháng 7 đông đúc hơn bao giờ hết. Ngoài các loại chim trời như bồ câu, khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng… có nhiều loại quí hiếm như: hỏa tiễn, quế lâm, khướu…được bày bán la liệt, công khai.
Phần lớn đây là chim bẫy được ở các cánh rừng từ khắp nơi như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa… được dồn về Hà Nội. Để kêu gọi lòng từ bi để kiếm tiền, nhiều ông chủ chim còn không ngại treo bảng mời gọi: Số phận của những con vật này chính là số phận của các bạn, các bạn hãy tranh thủ làm việc thiện (?!)
Phóng sinh hay hành hạ chim? |
Rằm tháng 7 chính là dịp để các chủ hàng bán chim được dịp hốt bạc. Người đàn ông bán chim khoe: “Những ngày này, trung bình cửa hàng tôi bán hàng trăm con chim các loại, như chủ yếu là bồ câu, chim én, chim sẻ giá từ 20-100 nghìn/ tùy loại.
Nhưng có nhiều đại gia mua hẳn khướu bạc má, họa mi, cu gay có giá khoảng 500 -700 nghìn đồng/con ”. Cả những con ốm đau, dặt dẹo, tôi đều “đẩy” được hết”.
Một ông chủ chim khác có gần hai chục con chim bồ câu, con bị xích chân, con bị trói cổ, con bị xách chổng ngược đầu xuống đất, được bán lẻ từng con với cái giá 60 nghìn đồng/ con. Người ban chắc giá, người mua eo xèo: “Bán gì mà đắt thế, tôi mua phóng sinh chứ có ăn đâu”.
Ở phiên chợ chim nhộn nhịp không khí bán mua này, chẳng có ai đến đây thưởng chim và cũng chẳng có một tiếng chim hót nào, chỉ thấy tiếng đập cánh xao xác, khô khốc vào nan lồng. Người bán chim cắm cúi cắt cánh chim, để khi được phóng sinh, chim không thể bay xa hoặc không cất nổi cánh.
Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này lại bắt lại những con chim nhốt vào lồng để... bán cho người khác. Khi có người đến mua chim, sau khi hỏi số lượng cần mua, người phụ nữ bán chim đưa tay vào cái lồng đen đặc, hốt từng nắm bỏ vào chiếc lồng khác để bán.
Lũ chim quằn quại, giãy giụa giẫm đạp lẫn nhau, lông lá bay tung tóe. Trong số đó, có con bị thương, nằm thoi thóp cam chịu bị đè bẹp. Có những bầy chim nhốt lồng lâu ngày, không ai mua. Người bán để bầy chim chết đói, chết khát rồi quăng ra đường.
Kết
Có cung thì có cầu, việc phóng sinh đã vô tình tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Có người mua chim tất sẽ nhiều người đặt bẫy bắt chim. Thế là những chú chim bay lượn tự do trên không trung liên tục bị sa lưới.
Chim bắt về bán cho những người đi chùa phóng sinh. Trước cảnh những con chim bị bắn hạ, “tù đầy”, ốm yếu, chết chóc, không ít người cho rằng cần phải nhìn nhận đúng việc phóng sinh. Người tâm không thiện, mua chim khiến kẻ khác vì hám tiền đi lùng chim trời về bán, lấy cớ để phóng sinh, thì càng trọng tội hơn.
Thầy Thích Quảng Thiện - trụ trì chùa Bụt Mọc (Đông Anh, Hà Nội) nhắn nhủ: “Phật dạy mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do.
Khi mình phóng những cái đó đi rồi, mình được tự do thì những người khác gần mình cũng được tự do. Tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên. Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sanh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con chim, con cá rồi đem đi phóng sanh”.
Có lẽ, đã đến lúc cần phải triệt tiêu cái nghề phá hoại môi sinh, môi trường này. Lẽ nào làm phúc, phóng sinh lại là “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ buôn bán, kiếm lợi trên sự sống của loài vật khác?
Theo Pháp luật VN