ảnh bài Du lịch Việt lọt top thế giới: Có gì mà tự hào! - 0 "Những thành quả có được hiện nay chỉ là tự nhiên mà có, không phải do dịch vụ phát triển, chính sách quản lý du lịch tốt". Đó là quan điểm của TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHHTT&DL) trước câu chuyện du lịch Việt.

 

Chúng ta đang tận hưởng những gì sẵn có

PV:- Thời gian qua, VN liên tiếp đại thắng khi luôn ở vị trí top đầu, trong các bảng xếp hạng như trang web du lịch TripAdvisor, Tạp chí Du lịch - Rough Guides, trang web tư vấn du lịch TripIndex Cities, dựa theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và mức phí dành cho du lịch, như top 20 điểm đến du lịch có mức giá tốt nhất thế giới, top 20 kỳ quan địa chất đẹp nhất thế giới, top 30 điểm đến đẹp nhất trên Trái đất, 16 điểm đến ven biển đẹp nhất thế giới...

Thế nhưng, trong các bảng xếp hạng như chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch toàn cầu; năng lực thu hút khách du lịch quốc tế do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, thì VN luôn đứng vị trí gần cuối, chỉ trên Campuchia.

Từ những kết quả trên, có thể hiểu những thành tích của du lịch Việt Nam đến được từ đâu? Những thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng nói trên liệu có được coi là thành tích?

TS. Phạm Trung Lương:- Tất cả những bảng xếp hạng đánh giá của quốc tế dành cho Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ là đánh giá về điểm tài nguyên, chúng ta có rất nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, sánh ngang, thậm chí hơn cả những bãi biển nổi tiếng tại Thái Lan hay Malaysia.

Chúng ta cũng có những địa điểm du lịch văn hóa thú vị như thủ đô Hà Nội hay phố cổ Hội An, cố đô Huế; ngoài ra, chúng ta còn có những kì quan du lịch khám phá như hang động Sơn Đoòng, núi Fansipan…

Có thể nói Việt Nam luôn có nhiều điểm vượt trội về tiềm năng. Việt Nam đứng top đầu trong các nước Đông Nam Á về số lượng di sản được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một nền văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng. 

Thế nhưng, đó chỉ là một trong những tiêu chí khác để đánh giá năng lực cạnh tranh của các điểm đến, vì còn nhiều tiêu chí khác như vấn đề môi trường, hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, giá cả...và tất cả các tiêu chí ấy chúng ta đều làm chưa tốt.

Đặc biệt, việc khai thác du lịch của chúng ta chưa thật sự bài bản, chưa đứng dưới góc nhìn của người quy hoạch chuyên nghiệp để khai thác. Cho nên dù có tiềm năng nhưng hiệu quả trong việc kinh doanh du lịch lại chưa cao.

Như chỉ số về lượng khách tham quan quốc tế mà chúng tôi đã theo dõi được, khoảng cách về chỉ số này giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không thay đổi nhiều từ trước năm 2000 đến nay.

Cụ thể, 10 tháng năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt nam ước tính đạt 6.608.391 lượt, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 14,4%; Singapore là 9,4%; Malaysia là 28,6%... Nghĩa là mình tiến người ta cũng tiến, nhưng người ta còn tiến nhanh hơn.

Chính vì thế, việc du lịch được đánh giá cao trong nhiều bảng xếp hạng, chúng ta không thể coi đó là một thành tích, bởi đó là những cái sẵn có, thiên nhiên ban tặng, chứ không phải cái chúng ta làm ra được.

Có nghĩa, những thành quả có được hiện nay chỉ là tự nhiên mà có, không phải do các nhà quản lý có chính sách tốt để phát triển du lịch. Chỉ có những cái chúng ta nỗ lực làm ra được thì hãy nên vui mừng và tự hào.  

PV:- Dù luôn khoe tăng trưởng du khách nhưng trên thực tế số lượng du khách quay trở lại Việt Nam rất thấp. Dường như, chỉ duy nhất Hội An thu hút được nhiều du khách quay trở lại. Theo ông, lý do nào khiến cho Hội An mời được khách trở lại dù nơi này không hẳn là địa điểm du lịch đặc biệt nổi trội về cảnh quan cũng như kiến trúc?Cứ nhìn ra các nước hiện nay, như Singapore mặc dù không có tiềm năng tốt như Việt Nam,  nhưng họ luôn xếp hạng cao về năng lực thu hút du khách quốc tế, bởi vì họ làm dịch vụ tốt, niềm nở với khách, không trộm cắp, chèn ép khách.

Từ trường hợp của Hội An, có thể suy luận, cái thiếu của du lịch Việt Nam khiến cho chúng ta không biến nó thành “gà đẻ trứng vàng’’ là gì?

TS. Phạm Trung Lương:- Đừng chỉ nhìn vào mức tăng trưởng của du lịch Việt Nam năm này cao hơn năm trước, nhưng không nhìn sang các nước bên cạnh họ còn tăng trưởng cao hơn.

Để thấy cái quan trọng nhất không phải tăng trưởng về lượng khách mà phải nhìn vào tăng trưởng về mặt thu nhập du lịch, lao động, bao nhiêu lao động tạo cho xã hội việc làm.

Rồi cả cho đến câu chuyện du khách đến không muốn quay trở lại, cứ 10 người đi cả 10 người ngoảnh mặt chỉ dám đến 1 lần thì chúng ta tự hào về điều gì.

Chỉ một phép tính đơn giản, 10 du khách Trung Quốc sang Việt Nam chi tiêu chỉ bằng 1/10 một du khách Tây, trong khi chúng ta cứ đi lo thu hút khách ở các thị trường dễ tính, chi tiêu thấp, thì có gì đáng để tự hào.

Tóm lại theo tôi là phải tự hào về cái hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt hay không chứ đừng nói về lượng khách.

Mặt khác, chúng ta chưa chú trọng đến các yếu tố mà du khách quan tâm đó là sản phẩm du lịch bao gồm tài nguyên, cộng với dịch vụ, làm dịch vụ tốt cộng với môi trường tốt, bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, ví dụ như không gian trong lành không có rác thải, không có chèo khéo khách, người dân thân thiện.

Có nghĩa, hiện nay, chúng ta có tài nguyên tốt nhưng chưa làm được sản phẩm tốt, chưa có môi trường tốt, môi trường bao gồm môi trường tự nhiên (rác thải, bụi bẩn), môi trường xã hội (sự thân thiện của người dân địa phương với khách du lịch, sự an toàn).

Đâu đó vẫn còn cảnh đi lẽo đẽo theo khách, lừa đảo, “chặt chém” nhưng mặt bằng chung ấn tượng mà họ tạo ra về hình ảnh đất nước và con người vẫn rất đẹp. Đó là sự khác biệt rõ ràng. Chính việc thiếu chuyên nghiệp, cách làm ngắn hạn đã làm cho du lịch Việt Nam không phát triển được như mong muốn cũng như chưa thể vào top đầu các nước trong khu vực.

Đặc biệt, du lịch nước ta còn thiếu chuyên nghiệp trong sự phối hợp giữa các ban ngành để tạo ra được sức mạnh tổng hợp. Nói ngay đến thực trạng, ở nhiều khu du lịch nổi tiếng, những khách sạn, khu vui chơi nghỉ dưỡng lớn, có tiếng hầu hết đều của các chủ đầu tư nước ngoài. Trong khi những công trình của Việt Nam hoặc của chủ Việt Nam thì không thể phát triển được bằng. Bởi lẽ, người nước ngoài kinh doanh ngành dịch vụ rất chuyên nghiệp.

Hay như nhắc đến Hội An, họ làm du lịch tốt là tốt từ con người cho đến chính sách, người dân thì thân thiện, chân chất, tạo cho du khách sự dễ mến, hòa đồng. Vì thế mà cũng là di sản văn hóa thế giới, nhưng Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Huế vẫn không thể níu chân du khách quay trở lại nhiều lần như Hội An.

Phải thay đổi nhận thức từ người quản lý du lịch

PV:- Đứng từ phía nhà quản lý, theo ông, thay vì chỉ hào hứng với những thứ hạng, thành tích nói trên, chúng ta nên thay đổi cách thức quản lý du lịch ra sao để tạo điều kiện tốt nhất cho ngành này phát triển? Những bài học của Thái Lan, Malaysia liệu có thể áp dụng ở Việt Nam được hay không và vì sao?

TS. Phạm Trung Lương:- Theo tôi, chúng ta phải thay đổi từ nhận thức, tránh tâm lý chạy theo thành tích, bởi cách quản lý như vậy là không đúng, người quản lý phải biết nhìn vào sự thật, thực chất của vấn đề.

Hiện nay, các nhà quản lý vẫn mộng tưởng vào các thành tích có được, những cái mà thiên nhiên ban tặng, chứ không do nỗ lực mình làm ra. Thậm chí, họ mới chỉ làm khơi khơi, làm theo trách nhiệm nhiệm kỳ, cố gắng làm sao để có thành tích thật tốt.

Cho nên, việc cần làm ngay hiện nay là phải thay đổi ngay từ nhận thức của người quản lý, người lãnh đạo.

Còn việc áp dụng những bài học du lịch của Thái Lan, Malaysia thì hơi khó, bởi vì mỗi đất nước sẽ có những thể chế khác nhau.

Chính vì thế, theo tôi để phát triển thay đổi ngành du lịch cần: Một là, chú trọng phát triển hạ tầng liên quan đến du lịch. Nếu xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư bởi bản thân du lịch là ngành kinh tế không có đầu tư thì không thể phát triển được.

Hai là, tạo điều kiện cho khách quốc tế làm visa dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Ba là, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá, hiện nay, chúng ta làm quảng bá du lịch thiếu chuyên nghiệp, chưa biết dựa vào đặc điểm của thị trường để tiếp thị du lịch. Ví dụ có những thị trường họ thích sản phẩm về mặt văn hóa thì mình phải quảng bá về mặt đó; còn những thị trường khác họ thích về du lịch khám phá, thám hiểm thì mình phải quảng bá theo kiểu tuyên truyền về đất nước cảnh quan. Đấy là cách quảng bá chuyên nghiệp mà mình vẫn chưa làm được.

Bốn là, cách phục vụ trong du lịch cần được nâng cao, đấy là yếu tố quan trọng để chúng ta phát triển ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ!

Châu An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC