Dưa tầm 5 - 6 kg, phủ đầy bụi, cuống khô quắt lại nhưng sau khi lau hết lớp bụi lại xanh bóng, không hề có dấu hiệu hư hỏng
Theo lời kể của anh T., trước Tết Ất Mùi, anh mua một cặp dưa hấu bán dọc đường Đa Kao (quận 1, TP HCM) với giá 300.000 đồng về chưng.
Mùng 7 Tết, T. bổ một trái ăn thử thì thấy rất đỏ và ngọt. Trái còn lại, anh để chưng tiếp và kỳ lạ là nó không hỏng suốt gần 1 năm.
"Năm nay, tôi tiếp tục giữ trái dưa này lại để chưng Tết", anh T. nói.
Trước đó, anh Phạm Văn Chơn (46 tuổi; ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, An Giang) cũng sở hữu trái dưa hấu để 6 tháng mà không hỏng.
Tại Hà Nội, gia đình ông Đỗ Xuân Liêm (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội) cũng bất ngờ khi quả dưa hấu được mua vào dịp Tết Nguyên đán 2015, trưng bày trên bàn thờ nửa năm nhưng không có hiện tượng bị hỏng.
Theo quan sát bên ngoài, quả dưa vẫn còn những vết khắc lên vỏ từ Tết Nguyên đán 2015. Khi lấy móng tay cạo bỏ phần vỏ ngoài vẫn còn nước, bên trong xanh tươi không có hiện tượng bị hỏng. Khi bổ, quả dưa chảy ra nước trong, ruột dưa màu đỏ nhạt nhưng không ai dám ăn thử.
Cũng vào dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, anh Phạm Văn Dũng (ngụ đường Ông Ích Khiêm, Q.11, TPHCM) mua cặp dưa hấu để chưng tết. Tính đến nay, đã hơn 6 tháng nhưng cặp dưa vẫn không hỏng.
Điều đáng nói, gần Tết những quả dưa được khắc chữ như Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, đính nơ xuất hiện dọc khắc các tỉnh thành, bán tràn lan trên thị trường. Với tâm lý mua để bày trên bàn thờ cho đẹp, nên các gia đình cũng mua rất nhiều.
Trước những trường hợp đặc biệt này, ông Nguyễn Hữu An, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, nhận định: "Thường trái cây để tối đa được 1 tháng là hỏng. Tuổi thọ lâu đến vậy có thể là do gene tốt, không thì chỉ có một lý giải là dùng hóa chất bảo quản".
Ăn không sao?
Cũng đã từng đưa ra quan điểm về việc dùng chất bảo quản cho hoa quả, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: "Quả lê và quả táo hoàn toàn có thể giữ được lâu nếu được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật, sau khi thu hoạch được xử lý bằng chất bảo quản an toàn và lưu trữ ở trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp.
Thời gian tồn tại của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài từ 6 đến 10 tháng, thậm chí cả năm.Việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và khi thấy hoa quả giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại".
Hơn nữa, theo ông Hồng, khi một quả táo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được.
Hay 1 thanh niên 17 tuổi ăn 50kg cà rốt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì mới mất an toàn. Nói thế để thấy mức người ta đưa ra để cảnh báo đang còn rất an toàn cho người sử dụng.
Ngân Giang (Tổng hợp)