Việc Hà Nội lựa chọn Vinaconex để thực hiện tiếp dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2 đã đặt ra một câu hỏi về ưu thế độc quyền?
Đó là nghi vấn được PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa kinh tế, Đại học Nông lâm TPHCM nêu ra với Đất Việt, ngày 31/3.
Liệu có độc quyền?
Trước câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra, Vinaconex đã vướng quá nhiều sai lầm ở các công trình từ đường ống nước sông Đà lần 1, 3 năm 17 lần vỡ, rồi cho đến đường cao tốc Láng Hòa Lạc chất lượng kém, nhưng Hà Nội vẫn chọn đây là đơn vị chủ đầu tư thực hiện giai đoạn 2 của đường ống nước sông Đà, cung cấp nước sạch cho hàng chục nghìn hộ dân của thành phố.
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, với những gì đã diễn ra chúng ta khó chấp nhận được chất lượng, năng lực của Vinaconex.
Ông Ngãi cho biết: "Chúng ta có thể đặt ra giả thiết, ở đây có ưu thế độc quyền hay không, không có đơn vị nào cạnh tranh, nên không có cơ hội lựa chọn khác. Nhưng tôi tin chắc đây là trường hợp khó có thể xảy ra, bởi vì, còn rất nhiều nhà thầu khác có đủ năng lực để tham gia.
Điều khó hiểu ở đây khi đã có quá nhiều sự cố xảy ra thì phải rút kinh nghiệm. Còn nếu tiếp tục mắc sai lầm mà trong điều kiện họ là nhà thầu duy nhất, độc quyền thì phải chấp nhận.
Vỡ đường ống nước sông Đà
Còn khi có nhiều nhà thầu khác đủ năng lực thay thế, vì sao chúng ta vẫn chọn Vinaconex thì phải rõ ràng".
Chính vì thế, việc lựa chọn chủ đầu tư cho một dự án lớn như cấp nước sông Đà, UBND TP Hà Nội cũng nên làm rõ.
Hai giả thiết cần lưu ý
Theo chia sẻ từ lãnh đạo của Vinaconex thì nhà máy nước sạch sông Đà (Hoà Bình) do Viwasupco quản lý vận hành hiện nay đã được một đối tác nước ngoài mua lại với gần một nửa cổ phần.
Cụ thể, thương vụ được thực hiện từ tháng 11/2010, khi Tổng Cty Vinaconex hoàn tất việc chuyển nhượng 43,6% cổ phần của Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho đối tác Singapore.
Đó là công ty cổ phần Acuatico, thành lập vào năm 2006 có trụ sở chính tại Singapore, phát triển chính về ngành nước, đầu tư rộng khắp các nước khu vực châu Á.
Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu Xinxing của Trung Quốc để cung cấp ống gang dẻo, công ty của Singapore cũng là một thành viên quan trọng quyết định vấn đề này.
Trước thông tin trên, ông Ngãi phân tích: "Chúng ta phải chấp nhận các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam nói chung, đang thay đổi theo chủ trương chung là cổ phần hóa.
Cho đến thời điểm này, nếu DNNN quản lý theo kiểu nhà nước thì kém hiệu quả, nên phải tái cấu trúc lại, mà muốn làm là cổ phần hóa, để nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả doanh nghiệp. Mặc dù chúng ta phải chấp nhận thực tế là phải chia cổ tức cho các nhà đầu tư ngoại.
Tôi cho rằng đường đi cổ phần hóa là đúng, còn người mua là doanh nghiệp ngoại cũng là nguồn vốn đổ về, hoàn toàn tốt, chúng ta nên khuyến khích".
Tuy nhiên, với việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo, theo ông Ngãi, có thể đặt ra 2 giải thiết:
Một là, nếu Singapore ảnh hưởng đến quyết định chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo thị cụ thể ra sao?
Nếu ảnh hưởng tuyệt đối là không đúng luật, vì muốn chọn thầu phải có quy trình, tôn trọng luật pháp Việt Nam. Chắc chắn một cổ đông có chưa đến 50% cổ phiếu thì không thể được đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu công ty Singapore có số cổ phiếu chưa đến 50% thao túng chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại thì phải xem lại năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, cùng đưa ra một tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ví dụ như đường kính ống gang dẻo 1m8, cả hai chủ đầu tư đều biết chỉ có nhà thầu Trung Quốc cung cấp được ống này, mà đồng tình đưa ra tiêu chuẩn đó, thì ở đây đã xuất hiện lợi ích nhóm, rất khó chấp nhận.
Chúng ta không thể loại bỏ giả thiết số 1, bởi Singapore đã từng sử dụng ống gang dẻo của Xinxing tại một dự án khác.
Chuyện họ móc nối qua lại, chia sẻ lợi ích phải được đặt ra và Vinaconex nên xem xét kỹ khả năng này.
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh: "Với dự án trên, dù người chọn thầu là ai thì cũng phải tôn trọng quy trình chọn thầu, xem nếu nhà thầu Trung Quốc cung cấp vật liệu trên có thiệt hại cho công ty hay không?.
Nếu thực sự làm tốt thì điều đó không có vấn đề gì đáng lo ngại. Còn nếu giao cho Trung Quốc mà hàng hóa không có tính cạnh tranh lại mang tính chất móc nối với nhau là khó chấp nhận được, cần kiểm soát chặt chẽ và lên tiếng mạnh mẽ hơn".
Châu An/ Báo Đất Việt