Tốn trăm tỉ chống ngập, đường vẫn thành sông sau cơn mưa “chớp mắt”.
Cơn mưa to chiều 21.6, đã biến nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM chìm trong biển nước, hàng loạt xe ôtô cũng chết máy và gây ách tắc giao thông.
Đáng nói, có những tuyến đường vừa được đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước tốn cả trăm tỉ đồng (như đường Đỗ Xuân Hợp), nhưng vẫn không phát huy tác dụng khiến đường vẫn ngập sâu gần cả mét, tràn vào cả nhà dân.
Mưa 30 phút, đường đã biến thành sông
Cơn mưa to kéo dài dù chỉ khoảng hơn 30 phút, song làm nhiều tuyến đường khu vực phía đông TPHCM như Xa lộ Hà Nội, Đỗ Xuân Hợp, Võ Văn Ngân, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xiển… ngập kinh khủng.
Ngập nặng nhất là “rốn lũ” đường Nguyễn Hữu Cảnh, nước ngập sâu 60-70cm, làm cho hàng loạt xe gắn máy, ô tô khi di chuyển qua đây cũng bị chết máy.
Đường Xa Lộ Hà Nội (đoạn cầu Rạch Chiếc), tình trạng ngập cũng không kém khi có đến hàng trăm xe gắn máy, ôtô bị chết máy.
Ngay cả một số tuyến đường vừa đầu tư hệ thống cống thoát nước vẫn ngập trầm trọng.
Điển hình như tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), dù đã được Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt Trung tâm chống ngập) đầu tư lắp đặt hệ thống thoát nước cách đây hơn 1 năm, nhưng cơn mưa chiều 21.6 vẫn làm ngập thê thảm.
Ngập nặng nhất là đoạn trước Giáo sứ Tân Đức, mức độ ngập gần cả mét. Nhiều người dân khi đến đoạn đường này đành phải quay đầu lại vì nước ngập sâu.
Do đường Đỗ Xuân Hợp bị ngập nặng nên kéo theo hàng loạt tuyến đường cắt ngang ngập đến ngang thắt lưng...
Đại diện Trung tâm chống ngập cho rằng, do hệ thống cống thoát nước được thi công theo quy hoạch của ngành giao thông nên cống nhỏ, cộng với miệng thu thoát nước không phù hợp nên làm nước thoát chậm…
Tương tự, một số trục đường mới đầu tư nâng cấp cải tạo hoặc làm mới vài năm qua (đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt…) cũng xảy ra ngập nặng cục bộ ở nhiều đoàn khiến việc lưu thông của dân gặp rất nhiều khó khăn.
Giải thích về tình trạng nhiều tuyến đường tại TPHCM ngày càng ngập nghiêm trọng, Trung tâm chống ngập cho rằng, nguyên nhân ngập do kênh, cống bị lấn chiếm mà không ai khắc phục; đường mới làm xong cống nhưng do ngành giao thông quy hoạch cống nhỏ; do người dân xả rác làm tắc cống…
Theo Trung tâm chống ngập, cuối năm 2016 nhiều đoàn công tác của lãnh đạo TPHCM đi thị sát các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước và chỉ đạo giải quyết.
Tuy nhiên, cho đến nay kết quả xử lý lấn chiếm kênh rạch, hệ thống thoát nước tương đối thấp.
Cụ thể: Trên địa bàn thành phố có 67 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, nhưng hiện mới xử lý được 7 vị trí.
Ngoài ra, thành phố còn 88 tuyến cống bị lấn chiếm với chiều dài hơn 13km và dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực nhưng đến nay mới xóa được 5 vị trí lấn chiếm và vẫn còn 83 vị trí.
Thành phố cũng có 97 vị trí lấn chiếm hầm ga, đến nay cũng chỉ mới khắc phục 12 vị trí.
Quy hoạch hệ thống thoát nước lỗi thời
Khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố đã chi hàng trăm triệu USD thực hiện hoàn thành một số dự án có quy mô lớn để giải quyết ngập như: Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hơn 300 triệu USD), dự án cải thiện môi trường nước thành phố (khoảng hơn 250 triệu USD), dự án nâng cấp đô thị…
Xe cộ vất vả di chuyển qua đường ngập Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: PV
Bên cạnh đó, hàng năm, thành phố còn chi cả nghìn tỉ đồng để thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp đường, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt cho nhiều khu vực. Thế nhưng đến nay thành phố vẫn không hết ngập, thậm chí là mức độ còn nặng hơn trước đây. Vậy ngập do đâu?
Qua tìm hiểu, nhiều công trình chống ngập của thành phố lâu nay chủ yếu thực hiện theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19.06.2001, về phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020.
Tuy nhiên, các thông số đầu vào (về vũ lượng mưa, triều cường) để làm cơ sở lập quy hoạch theo Quyết định 752 đã không còn phù hợp với tình hình diễn biến mưa, triều cường hiện nay.
Theo một cán bộ Trung tâm chống ngập, trước đây thông số đầu vào để lập quy hoạch theo Quyết định 752 là vũ lượng mưa tối đa trong 3 giờ là 95,91mm, đỉnh triều +1,32m.
Trên thực tế, với tình hình diễn biến thời tiết phức tạp như những năm qua có nhiều trận mưa chỉ 60 phút đã đạt vũ lượng 100-122m và đỉnh triều cường có lúc đạt đến +1,68m (còn trên +1,5m là thường xuyên).
Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng trở nên quá tải, gây ngập.
Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, hiện sở đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đến năm 2020.
Trong đó, có tính toán lại các thông số đầu vào của Quyết định 752 hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế, nhất là vũ lượng mưa và triều cường. Sau khi nghiên cứu, Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh.
“Trước mắt, khi lập các dự án hệ thống thoát nước, tùy từng khu vực, chúng tôi sẽ cập nhật tình hình vũ lượng mưa, triều cường cho phù hợp, chứ không cứng nhắc tính toán theo các thông số đầu vào của Quyết định 752” - ông Nguyễn Văn Tám cho biết.
Báo Lao động