"Khối Schengen lần đầu tiên được mở rộng trong hơn một thập kỷ", Cộng hòa Czech, nước đang giữ cương vị chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), ngày 8/12 thông báo. "Các bộ trưởng đã cho phép Croatia gia nhập khối từ ngày 1/1/2023".
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên EU tại Brussels, thủ đô Bỉ, ngày 8/12. Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới, gồm 26 quốc gia, trong đó có 22 nước EU, cùng Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Ôtô xếp hàng chờ qua biên giới giữa Croatia và Slovenia tại cửa khẩu biên giới Bregana, ngày 8/12. Ảnh: AP.
Chính phủ Croatia hoan nghênh tin tức này, khi yêu cầu gia nhập Schengen của họ không bị các thành viên EU phản đối.
"Croatia thuộc khối Schegen! Không còn biên giới nào trên 'hành trình châu Âu'. Croatia đã trải qua quá trình lâu dài và khắt khe để đáp ứng mọi điều kiện cần thiết", Phó thủ tướng Croatia Davor Bozinovic nói, nhấn mạnh rằng tất cả các bên đều hưởng lợi, từ người dân, kinh tế, Croatia cho đến EU.
Có gần 1,7 triệu người sống ở một nơi và làm việc tại nước khác trong khối Schengen, trong khi khoảng 3,5 triệu người đi qua biên giới trong khối mỗi ngày.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Croatia, Bulgaria và Romania, ba thành viên mới nhất của EU, đều đáp ứng các tiêu chí để gia nhập Schengen. Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên của họ.
Tuy nhiên, Bulgaria và Romania vấp phải một số phản đối từ một số thành viên EU, trong đó có Áo, với lý do lo ngại về vấn đề di cư, khiến đơn xin gia nhập Schengen của hai nước này bị khước từ.
Khu vực Schengen và vị trí Croatia, Romania cùng Bulgaria. Đồ họa: Europarl.
Đây được cho là kết quả đáng thất vọng với Bulgaria và Romania, hai quốc gia nghèo nhất EU đã cố gắng gia nhập Schengen trong một thập kỷ qua. Bộ Ngoại giao Romania đã triệu Đại sứ Áo về "thái độ không chính đáng và không thân thiện" của Vienna khi chặn nỗ lực gia nhập Schengen của họ.
Đức Trung (Theo AP, AFP)