Công bố Sách Xanh 2009 về hợp tác phát triển giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam ngày 2/6, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam Sean Doyle cho biết EU sẽ tiếp tục tăng cường các khoản vay ODA cho Việt Nam, cho dù Việt Nam đang tiến sát ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình.
Phát ngôn của Đại sứ Sean Doyle diễn ra trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra tại thành phố Buôn Mê Thuột ngày 8 - 9/6 tới.
Đại sứ cho hay EC và một số quốc gia thuộc EU sẽ tăng các khoản viện trợ hàng năm 20% từ nay đến năm 2013.
"Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình. Nhưng điều này không có nghĩa các khoản viện trợ ODA giảm ngay lập tức. Do khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu đã làm tình hình nghèo đói phức tạp thêm, các nhà tài trợ vẫn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam", ông nói.
Tổng số cam kết viện trợ của EU dành cho Việt Nam theo định hướng cho năm 2009 là 716,21 triệu euro (tương đương với 17,82% tổng số viện trợ nước ngoài), khoảng một nửa con số này là viện trợ không hoàn lại (308 triệu euro).
Đại sứ CH Séc tại Việt Nam, ông Michal Kral, thay mặt Chủ tịch Luân phiên EU, cho hay Việt Nam vẫn duy trì vị trí tiên phong trong chương trình nghị sự về hiệu quả viện trợ quốc tế của khu vực này.
“Trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục tiếp tục cho thấy tính cần thiết của hoạt động hợp tác phát triển hiệu quả, Việt nam duy trì vị trí tiên phong trong chương trình nghị sự về hiệu quả viện trợ quốc tế. EU vẫn cam kết đầy đủ trong những nỗ lực quốc tế để tăng tính hiệu quả viện trợ thông qua sự phối hợp và hài hòa hóa tốt hơn hoạt động hợp tác phát triển với các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam.”, Đại sứ nói.
Cũng theo Đại sứ CH Séc, tại Hội nghị CG sắp tới, EU sẽ đề cập quá trình giảm dần viện trợ ODA cho Việt Nam theo quy trình cũ, khi Việt Nam chuẩn bị tiến tới ngưỡng trở thành nước thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, đề cập vấn đề này, Đại sứ Sean Doyle cho biết, khi Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ sẽ chuyển đổi dần hình thức viện trợ, có thể thông qua các tổ chức phi chính phủ hơn là hình thức viện trợ chính phủ trực tiếp.
Đề cập nỗ lực giải quyết suy thoái thời gian qua, Đại sứ Sean Doyle đánh giá Chính phủ Việt Nam đã thực thi các giải pháp đúng đắn, sớm đưa ra các biện pháp phù hợp trong bối cảnh lạm phát, khủng hoảng đe dọa nền kinh tế. Ông cũng cho rằng sự minh bạch tài chính đã cải thiện đáng kể khuyến khích các nhà tài trợ yên tâm về những nỗ lực của Chính phủ.
Đại sứ Michal Kral cũng cho rằng còn quá sớm để đánh giá những diễn biến trước mắt nhưng những nỗ lực vượt qua suy thoái kinh tế vừa qua của Chính phủ "không phải tồi". Tăng trưởng GDP quý I đạt 3,1% có thể khiến Chính phủ phải cân đối, hoạch định chính sách cho các mục tiêu trong giai đoạn cuối năm, trong đó có khả năng thâm hụt ngân sách lớn xảy ra. Tuy nhiên, EU không bi quan về những diễn biến tại Việt Nam.
Ông nói Việt Nam cũng nên tiếp tục tiến hành công việc cải tổ doanh nghiệp quốc doanh theo hướng tăng cường.
Theo Vietnamnet.