Giá gia cầm liên tục thất thường, 3 năm bán dưới giá thành
Sáng 27/4, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.
Đối với gà lông trắng, giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 29.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông trắng giống đến tháng 4 dao động từ 9.000-13.000 đồng/con.
Giá thịt vịt hơi khu vực Nam Bộ bình quân tháng 3 là 42.100 - 43.900 đ/kg (tăng bình quân 19% tương ứng 6.800 - 7.000 đ/kg); sang tháng 4, giá tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với tháng 3. Giá vịt thịt giống một ngày tuổi tăng nhẹ 2.000đ/con tại thời điểm tháng 4 năm 2023.
Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750 – 2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.4000 đồng/quả. Đối với giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá gà thịt lông màu duy trì từ 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó lại giảm về 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4.
Giá gà thịt lông màu giống dao động từ 4.000-7.000 đồng/com trong tháng 4 tuỳ thuộc vào loại giống và miền Bắc thường cao hơn miền Nam 1.000 - 2.000 đồng/con. "Đáng chú ý là đàn ngỗng tăng trưởng âm, vì có khi cả năm chúng ta không ăn miếng thịt ngỗng nào" - ông Tống Xuân Chinh cho hay.
Cũng theo ông Chinh, thời gian qua nhiều địa phương quan tâm đến ngành chăn nuôi gia cầm, coi đó là ngành hàng chính vì nhữn ưu điểm như có vòng đời ngắn, đáp ứng nhanh nhu cầu thực phẩm ra thị trường; xử lí môi trường đơn giản, đỡ tốn kém hơn nhiều so với nuôi lợn; kiểm soát dịch bệnh tốt hơn trong khi nuôi lợn vẫn bị dịch tả lợn châu Phi đe doạ…
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi nói chung, mảng gia cầm đang còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỉ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn. "Nhiều địa phương đang phải đối đầu với một khó khăn lớn, đó là hết 2025 phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng cấm, di chuyển đi đâu, quỹ đất đai thế nào đang là bài toán khó" - ông Chinh nói.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng chỉ rõ, giết mổ và chế biến là khâu yếu của ngành gia cầm và ngành chăn nuôi nói chung. Ở Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa có hình ảnh bà mẹ lái xe cùng với trong tay là chai sữa, hộp đựng thức ăn đã chế biến sẵn, được hút chân không rất tiện lợi như một số nước phát triển.
Cho nhập khẩu thịt gà đông lạnh dễ dãi, doanh nghiệp mệt mỏi vì phải cạnh tranh sản phẩm giá rẻ
Đánh giá về bức tranh ngành chăn nuôi gia cầm thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, ngành gia cầm hiện nay có 4 mảng sáng và 6 mảng tối.
Mảng sáng, tổng đàn gia cầm tăng trưởng nhanh, từ 342 triệu con vào năm 2015 lên hơn 533 triệu con vào năm 2022, tăng 1,5 lần; sản lượng thịt từ 700.000 tấn đã tăng gần gấp ba, đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,85 lần; sản lượng trứng cũng tăng từ 8,87 tỷ quả lên 18,4 tỷ quả, tăng hơn 2 lần.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, giá gia cầm thấp cùng nhiều khó khăn kéo dài đang khiến người chăn nuôi gia cầm trong nước kiệt quệ. Ảnh: Minh Huệ
Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước mà bước đầu đã có xuất khẩu chính ngạch. Ước tính giá trị sản xuất của ngành gia cầm năm 2022 đạt khoảng 165 ngàn tỷ đồng, tương đương 7,0 tỷ USD.
Chăn nuôi gia cầm công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại ngày càng phát triển, vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam tự hào đã chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu xuất phát từ các giống gà bản địa có năng suất chất lượng cao, không những nổi tiếng trong nước mà còn được đánh giá cao ở nước ngoài.
Công nghệ sản xuất ở khu vực chăn nuôi ngày càng hiện đại, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào giết mổ chế biến, không kém gì các nước phát triển. Đặc biệt là năm 2022 chúng ta đã khơi thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản, mở ra cơ hội cho ngành gia cầm.
Tuy nhiên, mảng tối của ngành gia cầm đang nhiều hơn mảng sáng. "Tỉ suất lợi nhuận ngành gia cầm ngày càng thấp, thậm chí 2 năm qua bị âm. Gà bán dưới giá thành từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, vậy thì còn đâu lợi nhuận? Kể cả doanh nghiệp FDI cũng bị lỗ chứ không nói gì người dân chăn nuôi nhỏ. Rất báo động" - ông Nguyễn Thanh Sơn nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn xảy ra, đâu đó bệnh cúm gia cầm vẫn đang đe doạ, một số bệnh mà mấy chục năm nay không xảy ra thì nay lại xuất hiện như bệnh Marek.
Lượng nhập khẩu thịt gà theo chủng loại về Việt Nam. Nguồn: Hiệp hội Gia cầm Việt Nam
Đáng buồn là tăng trưởng sản phẩm nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng sản xuất trong nước. Ví dụ năm 2021 nhập 225.000 tấn thịt gà đông lạnh, năm 2022 nhập 246.000 tấn, 3 tháng đầu năm nhập gần 51.000 tấn, gây áp lực rất lớn cho thị trường tiêu thụ trong nước.
Theo ông Sơn, có một thực tế là các doanh nghiệp nội đang bị yếu thế so với doanh nghiệp FDI, người nông dân nuôi nhỏ lẻ đang đứng trước nguy cơ bị thôn tín dần, bị loại ra dần khỏi cuộc chơi.
Thị trường tiêu thụ bấp bênh, hết sức khó khăn, chưa bao giờ mà vòng đời con gà trắng từ chỗ nuôi 45-60 ngày lên tới cả trăm ngày vì không tiêu thụ được như hiện nay.
Trước những mảng tối nói trên, ông Sơn kiến nghị một số giải pháp, trong đó về lâu dài phải điều chỉnh lại một số chính sách hiện có, nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư tín dụng. Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội cho biết không tiếp cận được vốn ngân hàng, có nguy cơ ngừng sản xuất vì thua lỗ kéo dài, dẫn đến cạn vốn.
Thứ 2, rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi. Lâu nay chúng ta cứ mải mê tăng sản lượng khiến cung vượt cầu, giá bán thấp. Thay vào đó xem xét nâng cao giá trị, sản phẩm gia tăng, đặc biệt là xem xét các dự án mới nếu không gắn với chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng thì không cấp phép.
Thứ 3, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Hiện có không ít thị trường có nhu cầu nhập khẩu trứng, con giống gà lông màu, nhưng chúng ta đang bị vướng quy định của Tổ chức Thú y thế giới về vùng an toàn dịch bệnh. Nhiều thị trường đưa ra quy định rất khắt khe mà chúng ta không đáp ứng được.
Đặc biệt, ông Sơn cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. "Không quá dễ dãi trong việc cấp phép sản phẩm chăn nuôi; cần có các biện phápo kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh. Hiện nay cả các doanh nghiệp lớn như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu đông lạnh" - ông Sơn nói.
Vị chuyên gia này tiết lộ, hiện đang có thông tin gà thải loại "đi bộ" từ Thái Lan, qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, gà đẻ thải loại nguyên con qua đường tiểu ngạch. Chưa kể sản phẩm gà đẻ loại chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc cũng vào nước ta rất nhiều. Ở nước ngoài các sản phẩm này không ăn, nhưng nhiều người tiêu dùng Việt Nam rất thích vì thịt gà dai, giòn.
Gần đây có thông tin gà loại thải của Thái Lan đi theo con đường từ Campuchia tràn vào Việt Nam. Những loại gà này bán giá cực rẻ, chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/con, khiến giá gà trong nước không cạnh tranh nổi. Ảnh: T.Q
Thứ nữa là rà soát lại các thủ tục hành chính, với doanh nghiệp thời gian là tiền, là tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ KHCN xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, bởi thủ tục này làm đội lên giá thành thức ăn, có doanh nghiệp mất đến hàng tỷ đồng/năm cho việc xin cấp phép này.
Theo Dân Việt