Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hết năm 2008, cả nước có gần 30.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm do suy giảm kinh tế. Dự báo, năm 2009, khoảng 150.000 lao động thất nghiệp.
Theo Bộ này, lao động bị mất việc làm dưới 3 hình thức: chủ sử dụng bỏ trốn; doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân công.
Trường hợp chủ bỏ trốn xảy ra chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trước khi trốn, ông chủ đã tẩu tán hết tài sản khiến lao động vừa bị mất việc, vừa bị nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và không được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định.
Với doanh nghiệp giải thể, phá sản, theo quy định lao động được thanh toán lương, phụ cấp, giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc được nửa tháng lương. Nguồn kinh phí thanh toán được lấy từ phần tài sản còn lại của doanh nghiệp. Nhưng thực tế doanh nghiệp đã phá sản thì không có nguồn để giải quyền lợi cho lao động.
Dự báo, năm 2009 sẽ có khoảng 150.000 lao động tại các doanh nghiệp bị mất việc làm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước tình trạng trên, Bộ Lao động đang xây dựng chính sách đối với lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm. Dự kiến, với trường hợp chủ bỏ trốn, hoặc phá sản thì phần tài sản còn lại của doanh nghiệp được dùng để trả nợ lương, bảo hiểm, phụ cấp và giải quyết trợ cấp thôi việc cho lao động. Trường hợp không đủ thì được nhà nước hỗ trợ, tối đa mỗi người không quá 3 tháng lương.
Đối với doanh nghiệp cắt giảm lao động, nguồn kinh phí thực hiện trợ cấp thôi việc được lấy từ chi phí và quỹ trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp khó khăn, không đủ khả năng chi trả, Bộ Lao động đề nghị nhà nước hỗ trợ tối đa mỗi người không quá 3 tháng lương.
Bộ Lao động dự kiến với khoảng 150.000 người làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm trong 2009, và với mức hỗ trợ tối đa 3 tháng lương thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng.
Trước đó, tại một cuộc họp báo về bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc làm, cho biết theo cách tính của Tổ chức lao động quốc tế, với việc sụt giảm 2% GDP trong 2 năm 2008-2009, Việt Nam sẽ có 0,65% lao động, tương ứng 300.000 người (ở cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể...) bị mất việc làm.
Hồng Khánh
VnExpress.