Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô sẽ được chia thành 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư ước tính 800 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 sẽ bắt đầu vào quý 3 năm nay và hoàn thành vào quý 1 năm 2026 với số vốn đầu tư 220 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng), công suất dự kiến khoảng 50.000 xe/năm.
Giai đoạn 2 (2031 - 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng), công suất 100.000 xe/năm và giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng), công suất 200.000 xe/năm.
Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng của Omoda&Jaecoo tại Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên xe năng lượng mới của Trung Quốc vào Việt Nam xây dựng nhà máy.
Geleximco "bắt tay" Tập đoàn Chery xây nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình.
Phát biểu tại Lễ Ký kết, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng đây chính là xu thế của thế giới, trong đó có Việt Nam: "Việc liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô chạy bằng điện và động cơ đốt kèm năng lượng sạch là hướng đi rất trúng, phù hợp với chủ trương, cơ chế, chính sách của Việt Nam.
Đầu tư tại Việt Nam, liên doanh không chỉ khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước, mà còn có cơ hội khai thác thị trường 5 tỷ người tiêu dùng thuộc các quốc gia trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, ngay từ đầu, Liên doanh cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình rõ ràng để khai thác, chế biến các nguồn lực tại chỗ. Có quy trình, lộ trình để nội địa hoá các linh kiện, thành phần và công đoạn sản xuất nhằm từng bước giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, minh bạch hoá về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để được hưởng các cơ chế thuế ưu đãi.
Về phía Geleximco, Chủ tịch Vũ Văn Tiền khẳng định, ông rất tâm huyết với dự án này, đồng thời mong muốn xây dựng liên doanh này thành thủ phủ của Đông Nam Á nói riêng và châu Á, châu Âu nói chung.
"Sau hơn 2 năm tìm hiểu, đàm phán, chúng tôi đã đi đến kí kết hợp đồng liên doanh. Chúng tôi mong muốn liên doanh này có thể tiến xa. Chúng tôi cũng hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài khi Việt Nam có thuận lợi kí rất nhiều các hợp tác AFTA. Điều quan trọng là xây dựng giá thành giảm nhất, chi phí tối thiểu, hiệu quả cao nhất", ông Vũ Văn Tiền nói.
Chủ tịch Geleximco - Ông Vũ Văn Tiền khẳng định, ông rất tâm huyết với dự án này.
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận công nghệ của ngành công nghiệp ô tô, vốn đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, hàng năm. Tập đoàn Chery đã khẳng định được thương hiệu và đó là tiền đề để hoạt động hiệu quả ở Việt Nam. Nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô là Thái Bình, nơi đã có đường sá thuận lợi ra các bến cảng, cửa khẩu".
Cũng tại Lễ ký kết, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tin tưởng, việc mở rộng hợp tác giữa hai bên trong ngành công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước và tạo ra những điểm tăng trưởng mới.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda&Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và mẫu xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT