Ông Đồng Quang Cường ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chia sẻ về các khó khăn mà đơn vị của ông đang vướng phải với đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: TQ
Khó chồng khó
Từ một đơn vị chăn nuôi tuần hoàn kiểu mẫu có thu nhập cao ở địa phương nhưng sau bão Yagi, mọi thứ tại trang trại của HTX Hạ Long Xanh của ông Đồng Quang Cường gần như đã bị tàn phá tan hoang.
"Nhiều đời nay, các thế hệ cha ông đến đời chúng tôi chưa từng thấy cơn bão nào khủng khiếp đến thế. Chỉ sau một đêm bão về, mọi thứ đều tan hoang hết cả. Cả đàn vịt đang độ cho trứng rộ bị gió bão gây kích động bay loạn khắp nơi, nhiều con bị bay mất tích, số còn lại khoảng 7.000 con bị dập trứng, tinh thần rất hoảng loạn dẫn đến hư hỏng nặng khó có khả năng phục hồi lại sản xuất.
Hàng vạn quả trứng đang vào lò 4 máy ấp cũng bị mất điện, sự cố trong bão dẫn đến hư hỏng nặng, cùng nhiều tài sản máy móc, cơ sở hạ tầng của đơn vị cũng bị bão tàn phá hết. Thiệt hại của chúng tôi đến giờ không đong đếm được", ông Đồng Quang Cường - Phó Giám đốc HTX buồn rầu chia sẻ.
Theo ông Cường, sau bão, HTX Hạ Long Xanh gần như "trắng tay", mọi thứ đều phải trông chờ vào các cấp chính quyền và cộng động xã hội. Mới đây, đơn vị của ông đã vay được gần 2 tỷ đồng để vào 7.000 vịt giống và sửa chữa, mua sắm thêm các thiết bị chăn nuôi mới.
Hôm nay nhận được thông tin giá điện tăng khiến cho các thành viên trong HTX và hai vợ chồng ông càng cảm thấy áp lực hơn. "Sau lũ chúng tôi bị thiệt hại rất nặng nề. Hiện trang trại vừa mới vay được vốn để khôi phục sản xuất nhưng giá con giống tăng, giờ giá điện cũng tăng thêm sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị", ông Cường khẳng định.
Chuồng trại của HTX Hạ Long Xanh bị siêu bão tàn phá khá nặng nề. Ảnh: TQ
Người dân mong được hưởng ưu đãi về giá điện
Cùng trong hoàn cảnh với HTX Hạ Long Xanh, trang trại của ông Ngô Ngọc Lương ở xã Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cũng bị thiệt hại nặng sau siêu bão. Chỉ sau vài ngày xảy ra lũ đã khiến cho trang trại hơn 1 vạn gà sắp đến tuổi xuất bán của gia đình ông Lương bị nhấn chìm chết hết.
"Lũ năm nay dâng cao và chảy xiết chưa từng có. Gần 1 vạn gà đang khỏe mạnh và chờ khoảng 1 tuần nữa sẽ được bán đã bị chết hết trong lũ, hai vợ chồng tôi may mắn leo được lên nóc trại mới thoát chết", ông Lương chia sẻ.
Nước lũ rút đi, toàn bộ trang trại bị tàn phá tan nát, gà chết la liệt khắp nơi, gia đình ông Lương được các đoàn từ thiện và chính quyền địa phương đến thu dọn xác gà chết đưa đi chôn, gạt bùn đất, xếp lại thiệt bị chăn nuôi mấy ngày mới xong.
Sau khi dọn xong chuồng trại, vợ chồng ông Lương may mắn vay được ngân hàng 500 triệu đồng để mua giống, sắm sửa lại các thiết bị chăn nuôi. Sau bão, giá con giống tăng chóng mặt nhưng ông Lương vẫn phải "ngậm đắng" nhập về nuôi cho kịp vụ.
"Trước bão lũ, giá gà giống chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, giờ giá mặt hàng này đã đội lên gấp đôi nhưng chúng tôi vẫn phải mua để nuôi hy vọng vớt vát lại chút vốn liếng, vừa trả nợ cho ngân hàng", ông Lương nói thêm.
Đàn gà thương phẩm sắp đến tuổi xuất chuồng của ông Ngô Ngọc Lương ở xã Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chết la liệt sau bão lũ. Ảnh: TQ
Khi được phóng viên thông tin giá điện vừa được điều chỉnh tăng lên 2.100 đồng, ông Lương tỏ ra lo lắng: "Sau lũ bà con thua thiệt đủ bề, trang trại của tôi cũng vừa mất mấy tỷ đồng chưa nhận được hỗ trợ của nhà nước. Đến nay giá điện lại tăng sẽ khiến trang trại đã khó còn chồng thêm khó"..
Ông Lê Đức Khuyên, Trưởng xóm Vải, xã Cao Ngạn cho rằng: Toàn xóm có 39 hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau lũ, trong đó có khoảng trên 10 trang trại, gia trại bị mất hàng tỷ đồng. Đến nay, tại xóm có một số hộ đã xoay được ít vốn để tái đàn, khôi phục lại chăn nuôi nhưng còn rất rất khó khăn. Nếu giá điện tăng thêm sẽ càng đẩy bà con vào thế khó hơn.
"Chúng tôi rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ bà con kịp thời. Trong đó, các hộ rất mong được hưởng giá điện, vay vốn ưu đãi để mọi người khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi thuận lợi hơn", ông Khuyên kiến nghị.
Từ 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương tăng 4,8%. Và với việc điều chỉnh lần này, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện tăng lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt gồm: Đơn vị kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng khách hàng ở nhóm này sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng.
Đơn vị sản xuất có 1,921 triệu hộ, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Đây cũng là nhóm khách hàng chịu tác động lớn nhất trong đợt điều chỉnh giá điện lần này.
Đơn vị hành chính sự nghiệp có khoảng 691.000 khách, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, số tiền phải trả tăng thêm 91.000 đồng/tháng.
Ở nhóm khách hàng sinh hoạt, EVN cho biết, tỷ lệ sử dụng điện hiện được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao.
Theo đó, đối với các hộ gia đình sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tiền điện phải trả tăng thêm khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
- Nhóm hộ sử dụng từ 51-100 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.
- Nhóm hộ sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tiền điện tăng thêm khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
- Nhóm hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
- Nhóm hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.
- Nhóm hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tiền điện tăng thêm khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Hiện nay, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương đương 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán của EVN, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT