Cuối cùng, mọi quyết định tăng giá đã được thực hiện một cách nhanh chóng, trọn vẹn ngay thời điểm CPI có dấu hiệu tăng trở lại.
Nhìn lại cả quá trình hơn 1 tháng cho thấy sự dồn dập và quyết liệt đến lạnh lùng của giá cả. Dù đã được dự báo và đánh động nhiều lần nhưng bất cứ lúc nào và nhất là trong thời điểm hiện nay, tăng giá luôn khiến người dân cảm thấy lạnh gáy.
Ngày 31/7 đã để lại một dấu ấn khó quên khi giá điện và gas cùng tăng. Dù hai mặt hàng có hai cơ chế kinh doanh và điều hành giá khác nhau nhưng tăng giá năng lượng đầu vào luôn là một sự kiện chấn động đối với DN và người dân.
Sự chấn động đó càng mạnh hơn khi biết rằng, đã 3 lần trong hơn một tháng qua, xăng đều đặn lên giá ở mức trên dưới 400 đồng. Không những thế, ngay sau khi giá điện tăng, xăng lại kêu lỗ 500 đồng/lít như mở đầu cho một lộ trình quen thuộc để tăng giá.
Trước đó, trong tháng 7, dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhận thông tăng viện phí và học phí. Bên cạnh đó, cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Hà Nội mà từ cuối năm ngoái, việc tăng viện phí đã được thực hiện trên khắp cả nước. Sau mọi yêu cầu trì hoãn, Hà Nội dường như là địa phương cuối cùng thực hiện tăng viện phí. Còn việc tăng học phí ở TP Hồ Chí Minh sẽ thực sự trở thành một vấn đề cho nhiều gia đình và thành phố này khi mùa khai giảng cũng là khởi đầu cho chu kỳ tăng giá cuối năm tới đây.
Phụ họa thêm trong làn sóng tăng giá dồn dập trên đây là đợt tăng giá lần thứ 5 trong 6 tháng đầu năm của sữa và việc tăng giá sữa vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, cơn bão số 5 đã đẩy giá cả thực phẩm ở Hà Nội và miền Bắc tăng lên là sự báo động về mùa bão lụt đang đến – một tác nhân gây thiệt hại sản xuất và tăng giá đang hoành hành.
Nếu như việc tăng giá trên đây đều có quyết định thì điều lo ngại nhất là một làn sóng tăng giá mới sẽ ập đến sau đây mà không cần một quyết định nào. Lý do muôn thuở và chung nhất vẫn là: điện xăng tăng giá thì hàng hóa cũng phải tăng theo. Đấy là chưa kể trào lưu “tát nước theo mưa” để tăng giá chưa bao giờ ngừng lại mỗi khi nhà nước điều chỉnh các mặt hàng qua trọng.
Dù đã có những giải thích, chỉ ra nguyên nhân tâm lý, đầu cơ, lợi dụng tăng giá và lấy con số dự báo kết quả tác động vòng 1 – tác động trực tiếp thường rất thấp lên giá cả chung để đưa ra những câu trấn an quen thuộc: tăng giá ảnh hưởng không lớn đến lạm phát. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những các tác động gián tiếp vòng 2, vòng 3 vốn kéo dài và sâu rộng hơn và liên quan đến mọi mặt đời sống hàng ngày của người dân dù đã được thừa nhận nhưng chưa mấy khi được tính toán và công khai đầy đủ.
Tháng 7 vừa qua, CPI dù vẫn tăng thấp những đã đánh dấu xu hướng tăng trở lại của lạm phát, với những quyết định tăng giá điện, xăng mới đây… đã có những tính toán dự báo về tác động của nó khiến lạm phát tăng lên trong thời gian tới. Có thể mức tăng đó không lớn về con số tuyệt đối và vẫn nằm trong mục tiêu lạm phát cả năm đề ra nên nhiều chuyên gia đã cho rằng lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại. Và điều cũng được lặp lại trong các lý giải quyết định tăng giá là: đã tính toán kỹ và không gây tác động lớn đến lạm phát.
Nhưng có vẻ mọi giải thích và tính toán đó đã bỏ qua hay cố tình quên đi thực tế kinh tế khó khăn khiến thu nhập và đời sống người dân đang bị ảnh hưởng, đa số người dân rất chật vật và cố gắng thu hẹp chi tiêu để tồn tại qua giai đoạn khó nhất. Trong hoàn cảnh đó, việc tăng giá chắc chắn sẽ gây nên những tác động khó khăn gấp nhiều lần cho đời sống người dân.
Đối với cán bộ công chức, việc tăng lương năm nay vốn đã chậm lại thấp hơn mức dự kiến và trung binh hằng năm. Với nông dân, giá cả những mặt hàng quan trọng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su hay chăn nuôi… đều trong giai đoạn đi xuống; khó khăn – thua lỗ vẫn là tình trạng chung được phản ánh thường xuyên. Còn khối kinh doanh chắc chắn không thể có một thực tế sáng sủa khi sức tiêu thụ giảm, kinh doanh thua lỗ, DN nợ nần và phá sản nhiều khiến cho thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giữa hai chiều thực tế đó, việc tăng giá dồn dập vừa qua đối với đa số người dân và DN vẫn là một thực tế đáng lo ngại. Và cách đưa ra các quyết định một cách bất ngờ, chóng vánh, cho đến những giải thích và trấn an vắn tắt, chung chung và công thức càng khiến cho người dân và DN cảm nhận được sự lạnh lùng của tăng gia và tất nhiên đối diện với những tác động của nó mọi người đều thấy lạnh gáy. Những lý giải, những con số lạm phát dù thấp cũng không thể đủ yên lòng vì giá vẫn tăng còn thu nhập và đời sống vẫn trong tình cảnh khó khăn chung và chưa có nhiều cải thiện. Đó hẳn là một thực tế đáng sợ hơn tất cả mọi con số.
Theo VEF.