Gia tăng "sức mạnh mềm"Liên tục tổ chức những lễ hội văn hóa - du lịch của các tỉnh thành, vùng miền trong thời gian qua là một cách Việt Nam đã lựa chọn để phô sắc khoe hương trước công chúng trong và ngoài nước, chứng minh “sức mạnh mềm” của mình.

Những tín hiệu vui

Sau rất nhiều lộn xộn hoặc nhạt nhòa, dần dần đã có những lễ hội được triển khai chỉn chu hơn, thực sự trở thành “điểm hẹn” thường kỳ chứ không phải mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm, theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Gia tăng
Trình diễn áo dài tại Festival Huế

Cho đến nay, "Festival Huế" đã chứng minh đây là một ý tưởng độc đáo và giá trị và Huế đã chứng minh được nỗ lực của mình cho danh xưng “Thành phố Festival” đang ngày càng được xác lập rõ nét.

Kể từ Festival đầu tiên được tổ chức năm 2000 (sau cơn đại hồng thủy mà Huế bị ảnh hưởng nặng nề năm 1999), đến nay, đều đặn hai năm một lần - quãng thời gian đủ dài để chuẩn bị một cách chỉn chu và làm mới - nhiều người công nhận rằng, kể từ khi có Festival, cố đô đã khởi sắc hơn.

Qua 5 lần tổ chức, Festival Huế không bộc lộ sự nhàm chán dần như nhiều lễ hội khác mà ngược lại, chất lượng ngày càng khá dần qua từng mùa và mỗi đợt Festival mang đến một phong vị mới, với kịch bản mới dựng trên cái nền của văn hóa truyền thống và công nghệ tổ chức. Đây cũng là nơi không chỉ tôn vinh văn hóa địa phương, văn hóa Huế mà còn là văn hóa VN, với sự tham gia của nhiều quốc gia phối hợp với VN thực hiện như Pháp, Trung Quốc, Bỉ…

Những kết quả đạt được từ những lễ hội có sự đầu tư kỹ, chỉn chu cũng có thể thấy rõ qua Lễ hội du lịch Quảng Ninh vừa diễn ra (từ 24/4 đến 2/5/2009).

Theo thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, trong dịp Lễ hội Du lịch Hạ Long 2009, Quảng Ninh đã thu hút khoảng 45 vạn lượt khách, tăng 173% so với Lễ hội Du lịch năm 2008. Trong đó khách quốc tế đạt 48 nghìn lượt, khách lưu trú đạt 19 vạn lượt. Riêng khách tham quan Vịnh Hạ Long đã tăng 20% so với cùng kỳ.

Gia tăng
Lễ hội Du lịch Quảng Ninh 2009 (ảnh: Quangninh.gov.vn)

Con số gia tăng ấy thực sự có ý nghĩa trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và ngành du lịch VN đang bị sụt giảm lượng khách.

Lễ hội du lịch Quảng Ninh cũng đang dần khẳng định “thương hiệu” riêng, với mỗi năm tổ chức một lần, trước ngày lễ 30/4 và 1/5. Năm 2009, Lễ hội diễn ra với 22 hoạt động, sự kiện văn hoá, thể thao, trong đó thay vì chỉ chú tâm giới thiệu với công chúng những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà, đạo diễn đã đưa vào những tiết mục tái hiện lại toàn bộ những di sản văn hóa - du lịch từ Nam chí Bắc cũng như một số nét đặc sắc của văn hóa thế giới.

Thành công của lễ hội được đánh giá là cao ở chỗ “thiên nhiên và văn hóa Việt Nam đã được giới thiệu tổng thể như một viên ngọc quý với nét đẹp riêng của từng địa phương ví như những mặt cắt tinh tế, hài hòa”.

Ví dụ, lễ hội Carnaval Hạ Long 2009 và Lễ hội "Hội ngộ di sản" có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các địa phương trong cả nước và quốc tế có di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới hoặc có cảnh quan, nền văn hoá tiêu biểu, đặc sắc đã thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách đến với Hạ Long.

Bên cạnh những hình ảnh đẹp về du lịch Quảng Ninh, nhiều du khách vẫn phải phàn nàn về chất lượng phục vụ, giá cả trong những ngày nghỉ lễ “đắt đỏ”, nhưng rõ ràng, Lễ hội du lịch Quảng Ninh năm 2009 đã được đông đảo du khách đánh giá là khởi sắc hơn, chỉn chu hơn và nếu điều này được phát huy trong những năm tiếp theo thì đáng mừng biết bao!

Gia tăng

Lễ hội Carnaval Hạ Long 2009

 

Có thể kể đến những lễ hội khá thành công, tạo được dấu ấn tích cực trong lòng du khách trong và ngoài nước khác đã diễn ra trong thời gian vừa qua như Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội Pháo hoa (Đà Nẵng)…

Lễ hội - để "chất" nhiều hơn "lượng"


Hòa vào những ngày hội của phố, của tỉnh thành, của đất nước kể trên có thể thấy những thành công bước đầu và sức lan tỏa văn hóa từ đó là rất đáng ghi nhận, được đo đếm bằng những con số. Kết quả tích cực đó hầu như đều gắn với những tỉnh, thành có điều kiện tự nhiên ưu đãi, có vốn văn hóa, di sản được đánh giá cao không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp thế giới. Khi có được những giá trị đặc sắc như thế, nếu không khai thác tốt thì chắc chắn, ai cũng sẽ nói đó là điều rất đáng tiếc!

Khi bàn đến chuyện sử dụng “sức mạnh mềm” để từ văn hóa thông qua các lễ hội của tỉnh thành, của đất nước thì tiếc rằng, nhiều... điều đáng tiếc vẫn còn đó.

Từ lâu nay, lễ hội tỉnh, thành, ngành rơi vào tình trạng số lượng áp đảo chất lượng, thiếu chiều sâu, thiếu sức hút. Tình trạng "lạm phát" lễ hội đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh cần được giải quyết.

Không phải ngẫu nhiên mà nghề viết kịch bản lễ hội đang là công việc "hốt bạc" đối với không ít người, thậm chí còn "ngon ăn" hơn việc viết kịch bản phim. Đã có những đạo diễn một năm thực hiện đôi ba lễ hội, với kịch bản ná ná nhau, được dùng đi dùng lại và chỉ cải biên tí chút. 

Gia tăng
Gia tăng
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và Festival hoa Đà Lạt

Làm sao để khắc phục tình trạng các tỉnh thành đua nhau tổ chức hội hè nhưng lại thiếu chiều sâu, thiếp hấp dẫn, rập khuôn nhau? Làm sao để những sự lãng phí lớn không diễn ra qua các lễ hội được đầu tư nhiều tỉ nhưng rồi rơi tõm vào quên lãng? Và làm sao để mỗi lễ hội có sức quảng bá mạnh mẽ hơn, trên cơ sở có quy hoạch tổng thể của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch…?

Những điều đó cần được chính người xây dựng lễ hội và cả người thưởng thức lễ hội đặt lên bàn cân, để hiệu ứng từ văn hóa Việt, giá trị Việt thực sự "mềm" và "mạnh".

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC