Mặc dù giá xăng đã tăng liên tiếp 3 lần kể từ hôm 20/7 đến nay với tổng mức tăng là 2.400 đồng/lít, song ở lần đề nghị tăng giá thứ 4 này, một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn cho rằng Bộ Tài chính sẽ “phải đồng ý thôi”.
Trao đổi với PV ngày 23/8, một lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết, chúng tôi chuẩn bị gửi văn bản đề nghị xin điều chỉnh tăng giá xăng lên Bộ Tài chính. Theo kế hoạch, văn bản sẽ được gửi đi lúc 14h30 hôm nay.
Tuy không tiết lộ mức giá xăng mới mà doanh nghiệp xin được điều chỉnh tăng lên, song vị này cho biết, tính bình quân 30 ngày vừa qua, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành đối với mặt hàng xăng đã lên gần 1.000 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 10 ngày qua thì mức chênh lệch này còn cao hơn.
Mặc dù giá xăng đã tăng liên tiếp 3 lần kể từ hôm 20/7 đến nay với tổng mức tăng là 2.400 đồng/lít, song ở lần đề nghị tăng giá thứ 4 này, một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn cho rằng Bộ Tài chính sẽ “phải đồng ý thôi”. “Vì giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh thời gian qua thì giá trong nước bắt buộc phải tăng là điều đương nhiên. Chỉ tính riêng vài tuần qua, giá xăng A 92 thành phẩm tại thị trường Singapore đã tăng gần 13 USD mỗi thùng so với hồi đầu tháng 8. Các mặt hàng dầu cũng có mức leo thang tương tự”, vị đại diện SaigonPetro cho hay.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cũng cho biết, hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ tại doanh nghiệp đối với mặt hàng xăng là gần 1.000 đồng/lít, còn đối với các mặt hàng dầu là trên dưới 500 đồng mỗi lít hoặc kg.
Như vậy, theo tính toán của các doanh nghiệp xăng dầu đấu mối thì hiện việc kinh doanh xăng đang khiến doanh nghiệp lỗ tới gần 1.000 đồng/lít, nếu trừ đi 300 đồng/lít mà Quỹ bình ổn bù lỗ theo quyết định mới đây của Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp còn lỗ 700 đồng mỗi lít xăng bán ra. Từ đó, người tiêu dùng có thể đoán được mức giá mới mà các doanh nghiệp xin được đề nghị tăng lên có thể dao động từ 700 đồng tới 1.000 đồng/lít, dù phía doanh nghiệp không tiết lộ cụ thể.
Tuy nhiên, mức tăng thực tế sẽ như thế nào thì còn phụ thuộc vào quan điểm điều hành giá của Bộ Tài chính, liệu Bộ có giảm thuế nhập khẩu, hoặc trích thêm quỹ bình ổn để hỗ trợ giá xăng trong nước hay không. Song một số doanh nghiệp cho rằng khả năng giảm thuế là hơi khó, “bởi hiện khung thuế nhập khẩu tối đa cho phép là 20% đối với mặt hàng xăng A 92 nhưng hiện Bộ Tài chính chỉ áp dụng 12% nên chưa chắc Bộ đã xem xét giảm thuế. Trong văn bản đề nghị điều chỉnh giá chúng tôi cũng không kiến nghị gì về thuế, phí”, lãnh đạo SaigonPetro nói.
Hiện giá xăng dầu thế giới vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Tính chung trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng A92 thành phẩm tại Singapore đã tăng 10,2%. Theo số liệu cập nhật từ Petrolimex, ngày 22/8, giá xăng A 92 tại thị trường Singapore ở mức 125,35 USD/thùng, dầu diesel 0,05S ở mức 133,47 USD/thùng, dầu hỏa ở mức 131,97 USD/thùng…
Cũng theo Petrolimex, giá xăng A 92 bình quân nhập khẩu từ thị trường Singapore trong vòng một tháng qua đạt trên 121,2 USD một thùng. Con số này tương đương với giá cơ sở khoảng 23.428 đồng mỗi lít, trong đó, các khoản thuế - phí (thuế nhập khẩu 12%, tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng) tương đương 6.660 đồng mỗi lít, chiếm khoảng 28,5% giá cơ sở.