Nếu duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng.
Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc sử dụng trái phép tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đưa hối lộ. Thông tin được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 6.7. Điều này đặt ra vấn đề quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thế nào để không xảy ra những vi phạm tương tự.
Cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước
Bà Vũ Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hợp, đảm bảo đúng với luật giá và các quy định pháp luật liên quan.
"Dự thảo nghị định dự kiến quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá xăng dầu để thực hiện. Việc này cũng phù hợp với quy định của luật giá năm 2023 mới ban hành có hiệu lực từ 1.7.2024", bà Hiền nói.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần tập trung nguồn quỹ này vào tài khoản Nhà nước quản lý.
Việc sử dụng quỹ phải kịp thời, hợp tình hợp lý theo biến động thị trường. Bởi từ thực tế quản lý và sử dụng quỹ thời gian qua khi giao cho doanh nghiệp đảm nhiệm việc này đã gây mất lòng tin đối với các doanh nghiệp xăng dầu làm ăn chân chính.
Về lâu dài, khi Nhà nước có hạ tầng dự trữ quốc gia, có thể tính tới việc sử dụng quỹ vào dự phòng xăng dầu để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian qua. Ảnh: Phan Anh
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, trường hợp duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng.
Quỹ này Nhà nước nên tập trung vào dự trữ xăng dầu quốc gia và khi cần bình ổn giá thì bán hàng dự trữ quốc gia ra thị trường. Việc sử dụng quỹ như vậy để thay cho cách làm hiện nay, khiến doanh nghiệp nguy cơ cao vướng vào lao lý vì thực hiện chi, trích lập quỹ bình ổn không thể kịp thời".
Bỏ quỹ, thay bằng dự trữ hiện vật
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường.
Quỹ thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Điều đó là không thể chấp nhận.
Ví dụ cụ thể về việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm nhiệt giá xăng dầu, đó là trong quý I/2024, có thời gian giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng, từ mức dưới 22.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn rất lớn, gần 7.000 tỉ đồng, nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.
Việc quỹ "bất động" trong thời gian dài (từ tháng 10.2023 đến nay) đã ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường xăng dầu, gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (sử dụng nguyên liệu đầu vào là xăng dầu).
Từ những khiếm khuyết nêu ở trên về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu - cho ta thấy đã đến lúc phải bỏ quỹ này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là khi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu thì chúng ta điều tiết thị trường bằng gì?
"Tôi cho rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của dân) thì phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi, như tôi đã nói, hiện nay, thị trường xăng dầu của ta còn khá phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, chỉ một biến động của thị trường xăng dầu thế giới cũng khiến thị trường trong nước chao đảo.
Do vậy, Quỹ bình ổn bằng hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước", ông Phú nói.
Nguồn: Báo Lao động