Giật mình với thói xài hàng hiệu của người Việt Hiện nay, hầu hết người Việt tìm cách thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm, nhưng có một xu hướng đang đi trái ngược hoàn toàn với tình trạng này đó chính là sự tăng trưởng chóng mặt của các mặt hàng xa xỉ.

 Thực trạng trên đang biến một Việt Nam trở thành "mảnh đất màu mỡ" của nhiều thương hiệu cao cấp trên thế giới. Đồng nghĩa với thực trạng này là hệ luỵ xấu đối với nền kinh tế và những dấu hiệu bất cập về mặt xã hội.

Kinh tế tốp cuối, xài hàng hiệu tốp đầu

Thực tế cho thấy tốc độ nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không giảm và hệ lụy của nó làm chảy máu một lượng lớn tiền ngoại tệ của quốc gia. Số liệu trong 9 tháng đầu năm 2012 về nhập khẩu cho biết, hơn 3.6 tỉ USD chỉ để nhập điện thoại và các linh kiện, phụ kiện kèm theo.

Điều khiến cho nhiều người lo ngại là xu hướng tiêu dùng xa xỉ này chưa có dấu hiệu dừng lại, nó trái ngược với bối cảnh kinh tế nước ta. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2013, nhóm hàng hạn chế nhập khẩu vẫn tăng, ước đạt 2,9 tỉ USD. Trong nhóm hàng trên, hàng điện thoại di động vẫn thuộc nhóm tăng mạnh nhất, lên đến con số 36,2%, cùng với đó là mặt hàng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 10%. Nhiều người nhận định rằng, trong thời gian tới xu hướng này còn tăng cao và đồng nghĩa với một lượng ngoại tệ lớn còn bị chảy máu.

Hiện trạng này càng báo động hơn khi trong cuộc thăm dò của  hãng Nielsen, có tới 56% người Việt Nam đồng ý khi được hỏi về sở thích dùng hàng hiệu. Con số này đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cuộc thăm dò của hãng Nielsen thực hiện với sự tham gia của 29.000 người tại 58 quốc gia khác nhau. Sự có mặt tốp đầu của Việt Nam khiến nhiều người giật nảy mình.

Theo luật sư Nguyễn Minh Đức (đoàn Luật sư Hà Nội), hiện nay chúng ta đánh thuế cao vào nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu như hàng hiệu, thuốc lá, rượu bia để hạn chế việc người dân chi tiêu quá nhiều vào các mặt hàng này gây lãng phí. Nhưng với số liệu hiện nay cho thấy, từ phía quản lý Nhà nước gần như bất lực trước việc điều hành nhằm hạn chế mức chi tiêu phung phí của người dân. Theo vị luật sư này, số tiền chúng ta đổ vào các mặt hàng xa xỉ quá nhiều thậm chí ngoài sức "chịu đựng" của nền kinh tế Việt Nam.

"Tôi cho rằng, hiện nay người Việt Nam với tâm lý sính ngoại đang trở thành một lực cản cho nền kinh tế, có nhiều người cực đoan đến mức, vợ sinh cũng phải đưa sang tận Singapore để sinh cho dù đó là một ca sinh bình thường. Rồi đi du lịch, tuần trăng mật, kéo nhau sang tận Hồng Kông, Nhật Bản xem đất nước họ như một thiên đường của tình yêu. Có tiền thì tiêu, nhưng tiêu một cách khôn ngoan, có lợi cho đất nước mới phải suy nghĩ. Ở nhiều nước, họ giáo dục trẻ  em ngay tại gia đình và nhà trường phổ thông về ý thức tiêu dùng hàng nội địa, nhưng nước ta thì... chưa. Tâm lý sính ngoại nếu để lâu dài nó như chất gây mê đối với nền sản xuất trong nước" - luật sư Minh Đức nhấn mạnh.

Trọc phú học làm sang?

Thông số trên là tin buồn đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng lại là tin vui đối với những tập đoàn kinh tế lớn. Chính vì thế, trong vài năm nay, các thương hiệu hàng xa xỉ nổi tiếng trên thế giới đã tham gia vào cuộc đua nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện ngày càng nhiều và rầm rộ của những thương hiệu đắt tiền, cùng với những chiêu thức quảng cáo, chăm sóc khách hàng "hút hồn" khiến hiệu ứng hàng hiệu trong tâm lý của người tiêu dùng Việt càng trỗi dậy. 

Mới đây nhất, hãng xe siêu sang Rolls- Royce đã chính thức có mặt tại Việt Nam với đại lý có tên là Rolls - Royce Motor Cars Hà Nội. Việc mở đại lý chính thức tại Việt Nam của hãng xe đến từ nước Anh này không nằm ngoài mục đích tạo điều kiện cho những người giàu Việt Nam tiếp cận một cách dễ dàng nhất những dòng xe như Phantom, Ghost hay Wraith. Cùng với đó, hãng sẽ đem đến dịch vụ Bespoke (cá tính hoá chiếc xe của khách như chọn màu nội thất, chất liệu nội thất hay khắc chữ lên táp lô xe) để đáp ứng sở thích của những nhà giàu Việt Nam hiện nay. Theo như kỳ vọng của hãng, việc đặt đại lý ở Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng của hãng ở mức 2 con số, tức là từ 10 chiếc trở lên. Trong các dòng siêu xe, hãng này hy vọng sẽ bán được nhiều xe Phantom, bởi hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có một chiếc chính hãng.

Trước xu hướng thích hàng hiệu và chi tiêu quá mức, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ) cho rằng,  xét trên khía cạnh nào đó, sở thích hàng hiệu nó biểu hiện của ý thức vươn lên, muốn thể hiện bản thân của con người. Tuy nhiên, sở thích hàng hiệu đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay của nước ta đang quá mức chịu đựng của nền kinh tế. Những người chi tiền để mua sắm hàng hiệu là giới giàu có, nhưng chưa chắc giàu chính đáng. Họ muốn biểu hiện ra bên ngoài bằng các vật phẩm như quần áo, đồ dùng, xe ô tô để tô điểm cho bản thân. Chính xu hướng đề cao hình thức bên ngoài đang khiến cho nhiều người lao vào cuộc đua mua sắm mà quên đi cộng đồng xung quanh. "Nước ta còn nghèo, số lượng người nghèo vẫn nhiều, sự chi tiêu vào hàng hiệu, hàng xa xỉ như vậy là không hài hoà" - ông Lê Quý Đức nhấn mạnh.  

Theo Người đưa tin.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC