Cần hình sự hóa tài sản không rõ nguồn gốc
Trước thông tin nhiều cán bộ khi kê khai tài sản giải trình tài sản được hình từ nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm...ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng đây là những lời giải thích bất hợp lý.
Ông Đạt phân tích:
"Đây là cách giải thích nguồn gốc tài sản của một số cán bộ khi có yêu cầu làm rõ sự tăng giảm của tài sản đã được kê khai từ trước năm 2013. Điều quan trọng là tài sản tăng giảm phải có nguồn gốc, vì thế nếu giải thích là do nuôi lợn, nuôi gà, trúng xổ sổ kiến thiết... cũng được.
Thế nhưng, giải thích phải hợp lý.
Nếu nuôi gà, nuôi lợn thì một năm được lãi 100 triệu -200 triệu đồng còn chấp nhận. Nếu có được hàng chục tỷ đồng thì không ai tin. Yêu cầu kê khai tài sản là giải thích trung thực, chứ không phải cứ nói cho xong. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu bất bình thường, người quản lý cơ quan, địa phương nơi cán bộ làm việc có quyền thẩm định và xác minh lại.
Thực tế cũng có thể có nhiều cán bộ họ nuôi gà, nuôi lợn thật nhưng số lượng đó theo tôi vô cùng ít và quan trọng 1 năm được thu lãi 100-200 triệu đồng là nhiều. Cho nên, chắc chắn ở đây có dấu hiệu bất bình thường, không trung thực".
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, tới đây khi sửa luật, Cục có đề nghị những diện cán bộ trước khi được bổ nhiệm hoặc đang được cân nhắc bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện để đề bạt, không để như trước kia nữa.
Phải xem xét cán bộ theo hướng nếu không trung thực trong kê khai tài sản thì không đủ điều kiện để bổ nhiệm, đề bạt, coi đây là một điều kiện bắt buộc.
Việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng đang theo hướng tăng cường kiểm soát, quản lý đối tượng cần kê khai.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng
''Thế nhưng đây cũng chỉ mới là đề nghị từ phía Cục'' - ông Đạt nói.
Vị quan chức dẫn chứng, trước đây, theo quy định, khi có dấu hiệu kê khai bất hợp lý, tài sản tăng bất thường hoặc khi có đơn tố cáo về tài sản, có vấn đề gì trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ mà cần xác minh, thẩm định để đánh giá cán bộ thì mới có căn cứ để kiểm tra. Còn hầu hết việc kê khai tài sản đều do tự nguyện, tự giác, thậm chí, có nhiều trường hợp cũng không cần xác minh.
"Việc xác định cán bộ kê khai có trung thực hay không từ trước đến nay vẫn khó khăn. Nhưng trước hết vẫn cần có Luật bởi thực ra người dân công khai giám sát, phát hiện cũng được nhiều thông tin, địa phương cũng có nhiều nguồn rất tốt.
Cứ tiến hành xác minh từ địa phương nếu không có vi phạm thì khen, còn nếu có thì quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương, thiếu quản lý địa bàn. Quy trách nhiệm người đứng đầu là một trong những giải pháp cần triển khai mạnh mẽ thời gian tới", ông Đạt nói thêm.
Mở rộng đối tượng kê khai
Ở góc độ khác, theo vị Cục trưởng Cục chống tham nhũng, thời gian tới cần mở rộng đối tượng kê khai là vợ con, người thân của cán bộ công chức.
"Tôi cho rằng, phải quy định cả đối tượng người thân cán bộ cũng phải kê khai tài sản, bởi thực tế đang có chuyện chuyển tài sản cho người thân. Mặt khác, khi có tình trạng kê khai tài sản không hợp lý, kê khai sai, ta vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Chúng ta mới chỉ xử lý được về con người thôi, còn về tài sản rất khó khăn trong xử lý, vì chưa có cơ chế pháp luật.
Ở nước ngoài, với những tài sản bất hợp lý, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp sẽ bị tịch thu ngay. Chúng ta phải qua Tòa án dân sự, thủ tục phức tạp, thời gian lâu mà chứng minh đâu phải chuyện dễ.
Tới đây khi sửa luật cần đề nghị với Quốc hội phải hình sự hoá các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc. Chưa làm được cái đó thì chưa thể kê khai chính xác được. Tuy nhiên, đây là cái khó, cần phải nghiên cứu kỹ để chỉnh sửa, làm sao cho phù hợp với quan điểm của Liên hiệp quốc", ông Đạt nói thêm.
Từ những xem xét trên, ông Đạt nhấn mạnh: "Chúng ta phải xóa ngay tư duy hi sinh đời bố, củng cố đời con, đây là vấn đề phải thực hiện ngay. Sau này phải tiến tới các tư duy, quan điểm của chung của thế giới, song song với đó kiểm tra, quản lý bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Tiến tới sau này phân cấp cho từng cấp, từng địa phương, các cấp, các địa phương phải xác minh, thẩm định rồi báo cáo về Cục, Cục sẽ tổng hợp và kiến nghị phương án xử lý".
Nguồn: Châu An
Báo Đất Việt