Phố núi Hương Sơn nổi lên với nhiều đại gia giàu có, chịu chơi; những siêu xe, đám cưới “dát” vàng, thế nhưng ít ai biết được phía sau ánh hào quang đó còn có mảng tối khác.
Những đại gia “chết yểu”
Là mảnh đất khét tiếng về độ chịu chơi, những đám cưới siêu xe, dát vàng, những buổi tiệc linh đình được tổ chức hoành tráng lên đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng ít ai biết góc khuất sau ánh hào quang đó…
Thời gian vừa qua, phố núi “rúng động” khi hàng chục hộ dân trên địa bàn viết đơn gửi đến các cơ quan truyền thông cùng cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi), trú xóm Hồ Vậy, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Theo đó, bắt đầu từ tháng 8/2015, bà Nguyễn Thị Mai đã viết giấy vay tiền rất nhiều cá nhân thân quen trú tại địa bàn thị trấn Tây Sơn, với số tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng, lãi suất 0,1%.
Bằng mối quen biết thân tình, bên cạnh đó tin vào cái “mác” là đại gia của bà Mai và gia đình ở đất Trung Tâm, các cá nhân này không chút do dự mang hết số tiền tích cóp của gia đình, thậm chí đi vay thêm để đưa cho bà ấy.
Thế nhưng, khi đến hạn hoàn trả, bà Mai tuyên bố “vỡ nợ” rồi bỗng “bốc hơi” khỏi địa bàn.
Lúc này, những nạn nhân điêu đứng, sống dở chết giở với hàng tỷ đồng vay mượn đã mất trắng vào tay nữ đại gia.
Một đám cưới "siêu vàng" từng diễn ra ở mảnh đất Hương Sơn. |
Điều đáng nói, khi lật lại tìm hiểu, chúng tôi khá bất ngờ khi biết chính ở mảnh đất lắm đại gia này, cũng đã có không biết bao nhiêu vụ vỡ nợ. Hàng trăm gia đình tự biến mình thành nạn nhân, sống dở, chết cũng dở.
Là một đia bàn có cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thông thương với nước bạn Lào. Qua đường cửa khẩu này, sự thuận lợi trong việc giao thương làm ăn buôn bán, những dân buôn phất lên nhanh chóng và trở thành những đại gia nhiều của, lắm tiền.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, hoạt động buôn bán trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Phần vì cơ quan chức năng thắt chặt hơn công tác kiểm tra kiểm soát, phần vì đầu ra của hàng hóa “đứng”, đặc biệt là các loại gỗ.
Những thương vụ làm ăn bất thành, hàng tấn hàng không có đầu ra, những “đại gia” buôn hàng như “co” lại giữa vòng xoáy hàng - tiền.
Từ đó, dẫn đến những hệ lụy đau lòng....
Hàng chục đại gia “khét tiếng” tại đất Trung Tâm lần lượt bán xe, bán nhà để trả nợ, phút chốc trở nên trắng tay, thậm chí nhiều “đại gia” lao vào đỏ đen, lô đề những mong vớt vát lại số tiền mất mát trong làm ăn.
Một đám cưới siêu xe khác, cũng diễn ra ở phố núi này. |
Thế nhưng nợ lại chồng thêm nợ, các “đại gia” như chao đảo, ngập đầu trong đống nợ hàng trăm tỷ không có lối thoát và rồi trong cơn túng quẫn, nhiều “đại gia” đã tìm đến cái chết để kết thúc tất cả, hoặc tuyên bố vỡ nợ rồi bỏ đi biệt xứ, để lại sau lưng những hệ lụy đau lòng.
Có lẽ người dân phố núi vẫn chưa quên câu chuyện về nữ đại gia N.T.H. Sau khi tuyên bố “vỡ nợ”, H đã tìm đến cái chết, kết liễu đời mình. Kéo theo đó là cảnh hàng chục gia đình lâm vào cảnh trắng tay, mất nhà mất cửa, vợ chồng con cái tan đàn xẻ nghé.
Chị Phan Minh T., (SN 1978, người dân địa phương), nạn nhân của một vụ lừa đảo trầm ngân cho biết: “Thời gian cũng qua được 2 năm rồi, vậy mà tôi vẫn không thể nào chấp nhận nổi.
Chỉ vì cả tin và bị dụ dỗ bởi lãi xuất cao của một đại gia mà tôi đã dốc hết tài sản, vay mượn thêm đưa cho họ vay. Khi họ vỡ nợ, tôi cũng mất tất cả, nhà cửa bán, chồng li hôn rồi ôm con đi biệt xứ, gia đình 2 bên nội – ngoại từ mặt, hàng tháng phải lao động cật lực, làm thuê cho họ để tích góp trả lãi nợ người ta.
Vì chán nản, tôi sinh ra bệnh tật đau ốm suốt. Tôi sống mà như không bằng chết”.
Nhìn lên bức hình cũ thời “hoàng son” của chị T. với người phụ nữ đang hiện diện trước mặt tôi, chắc rằng chị đã đi qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Chị giờ gầy và già đi rất nhiều.
Hóa ra, bên cạnh những sự kiện gây sốc đối với dư luận về sự sa hoa, giàu sang, mảnh đất đó vẫn chứa những tảng băng chìm.
Theo Ngân Hà