Gộp "sổ đỏ", "sổ hồng" không mất phí“Gộp sổ đỏ, sổ hồng, khi ban hành giấy mới, ai muốn giữ giấy cũ thì giá trị về mặt pháp lý vẫn giữ nguyên, ai muốn đổi thì không mất tiền phí” - Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên trả lời cho lo lắng của các đại biểu về việc sửa luật kỳ này.

Cuối 2010 hoàn thành việc gộp sổ

Trong phiên thảo luận về dự án luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 29/5, tại tổ Hà Nội, đại biểu Đặng Văn Khanh yêu cầu có thời hạn chuyển đổi 2 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thành 1 sổ thống nhất.

Ông Khanh lo ngại vì ngay việc để ra được 2 loại giấy đó cũng phải rất trầy trật suốt một thời gian dài trước đây. Cho đến giờ, ngay ở địa bàn Hà Nội tỷ lệ sổ chưa làm hoặc làm rồi nhưng người dân không buồn lấy vẫn rất lớn.

 

Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên (đại biểu tổ Hà Nội) cho hay mức thời hạn đã định là cuối năm 2010. Ông Nguyên cũng “trần tình”: “ Kỳ họp lần này tôi đang trong một tình trạng rất lo lắng tính tới các câu hỏi chất vấn phải trả lời trước QH là đến 2010 cơ bản hoàn thành cấp giấy này, trong khi bao nhiêu năm qua mới cấp được 70% sổ đỏ”.

Người đứng đầu Bộ TN-MT, cơ quan nắm quyền quản lý về “sổ đỏ” cũng giải trình cặn kẽ, do 2 luật đất đai và nhà ở đề ra quy định khác nhau. Dựa vào 2 luật này, 2 Bộ thuộc Chính phủ (Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng) cũng phải thực hiện việc quản lý, chỉ đạo theo ngành dọc của mình, gây nhiều phiền hà.

Ông Nguyên lấy ví dụ nhu cầu cầm cố, thế chấp bất động sản của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì ngân hàng cũng không biết “sổ đỏ” hay “sổ hồng”, loại giấy nào có giá trị đảm bảo. Tắc hơn nữa là trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khi có dự án, khi một miếng đất mà có nhiều loại giấy tờ, số lượng, dữ liệu ghi lại còn “đá” nhau. Một số liệu khái quát được đưa ra, khiếu kiện liên quan đến 2 loại sổ này chiếm tới 30% tất cả các vụ khiếu kiện hiện nay.

20 mảnh đất cũng chỉ cần 1 sổ

Bộ trưởng TN-MT miêu tả: “Chúng tôi sẽ đưa toàn bộ linh hồn của sổ đỏ vào tờ giấy này. Những gì ghi trong giấy hồng cũng đưa cả vào đây. Các vấn đề của tài sản khác như rạp chiếu bóng, bệnh viện, trường học… cũng đưa vào hết. Một quyển sổ được thiết kế để sau này bất cứ nội dung gì liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đều được đáp ứng”.

Tinh thần của loại giấy thống nhất được tóm lại là giống “bằng khoán điền thổ Pháp dùng trước đây”. Ông Nguyên minh hoạ, thời gian qua, nếu một gia đình có 20 mảnh đất thì cũng cần tới 20 giấy chứng nhận, còn thay đổi theo hướng thống nhất này, 20 mảnh đất cũng chỉ cần 1 sổ.

Với tư cách cơ quan thẩm tra dự án luật sửa đổi lần này, Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cho hay, do việc chậm thống nhất quản lý trong thời gian dài nhiều năm vừa qua mà hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản thấp. QH đặt vấn đề sửa luật ngay kỳ họp đầu năm 2009 trong bối cảnh số vốn đầu tư tồn lớn. Việc thực hiện các biện pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế càng gây áp lực với lượng vốn đầu tư rất lớn cần giải phóng.

“Nếu không làm ngay việc “gỡ nút thắt” trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, việc giải ngân nguồn vốn rất khó khăn. Nếu QH có thể thông qua nội dung sửa đổi trong kỳ họp này, có thể tạo tác động tích cực đến thực tiễn ngay. Chờ tới kỳ họp sau lại sẽ chậm” - ông Hiền nêu lý do đề nghị các đại biểu “bỏ phiếu thuận” cho việc sửa luật.

Gộp

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền tiếp tục trao đổi trong giờ nghỉ

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) vẫn lo ngại việc đổi sổ không dễ dàng bởi thực tế hiện nay, ngay việc đổi chứng minh thư hết hạn cũng không đơn giản. Đại biểu này cũng cảnh báo việc Hà Nội đã rất có “kinh nghiệm” trong việc cứ đổi lại thay hộ khẩu rồi chứng minh thư, gây phiền hà cho người dân…

Bộ trưởng TN-MT xác nhận, hiện nay việc đổi hoặc làm mới giấy tờ còn phức tạp, cơ quan công quyền ít nhiều cũng liên quan. Tuy nhiên, về việc đổi sổ, ông Nguyên khẳng định có thể an tâm. Khi ban hành giấy mới, ai muốn giữ giấy cũ thì giá trị về mặt pháp lý vẫn giữ nguyên, ai muốn đổi sang giấy mới thì không mất tiền phí.

Ông Nguyên cũng trình bày, tất cả các gia đình đã được cấp sổ đỏ hay sổ hồng cho đến thời điểm này, thông tin đều được lưu trữ trong hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước. Khi mang đến đổi sổ có thể đối chiếu ngay, việc sổ thật hay giả cũng lập tức được phát hiện.

Kết lại buổi thảo luận, Bộ trưởng TN-MT tỏ ý mong được QH ủng hộ và thống nhất để có thể nhanh chóng đưa luật đầu tư xây dựng cơ bản vào thực tế, nhằm thúc đẩy tiến độ thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Theo Dân trí.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC