Hệ thống sông ngòi Việt Nam đang bị "bức tử" Cùng với những bất cập về vệ sinh môi trường, nông thôn Việt Nam còn đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải, không khí, đất đai gây ra bởi các làng nghề.

 Theo kết quả tổng điều tra mới nhất, chỉ hơn 4% số làng nghề ở nông thôn trong cả nước sử dụng thiết bị xử lý nước, chất thải độc hại.

Điều tra của Cảnh sát Môi trường cho thấy, có tới  gần 70% khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; số còn lại cũng chỉ theo kiểu “gọi là có”. Tại tất cả các KCN-KCX, chỉ tiêu về BOD, COD, coliform, chất rắn lơ lửng, kim loại nặng, phốt pho… đều vượt chỉ tiêu cho phép. Nguồn ô nhiễm này đang ngày đêm hủy hoại môi trường, nhất là môi trường nước trên các hệ thống sông ngòi.

Theo thống kê, mỗi ngày sông Đồng Nai phải gánh chịu 1.740.000m³ nước thải công nghiệp, trong đó chứa đựng 671 tấn cặn lơ lửng, 104 tấn nitơ, 15 tấn phốt pho và kim loại nặng. Riêng tại KCN tập trung lớn nhất tỉnh Thái Nguyên là Sông Công, các thông số ô nhiễm môi trường đều ở mức báo động cao.

Hệ thống sông ở khu vực phía Bắc cũng trong tình trạng báo động. Sông Cầu bị ô nhiễm nặng bởi trên 2.000 doanh nghiệp các ngành nghề: hóa chất, luyện kim, chế biến thực phẩm, xây dựng… tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Lưu vực hai sông Nhuệ - Đáy hiện cũng oằn mình hứng chịu nguồn rác thải từ các hoạt động sản xuất công nông nghiệp của các tỉnh, thành: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, nếu không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm các hệ thống sông, cuộc sống của hàng chục triệu người dân sống ở vùng phụ cận sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy định của pháp luật về quản lý môi trường ở nước ta hiện vẫn chưa hoàn thiện. Đây là kẽ hở tạo điều kiện cho các hành vi đối phó, gian lận của doanh nghiệp diễn phổ biến, kéo dài.

Cũng theo kết quả mới nhất của Tổng Điều tra nông nghiệp, nông thôn thủy sản, cả nước có gần 19% số xã và 9% số thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải chung.

Theo Dân trí.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC