''Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hồi năm ngoái vừa phát động chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh thì từ đầu năm đến nay đã có 2 vụ chặt cây''.
Quá tùy tiện
Việc thi công 2 dự án giao thông trọng điểm trên đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) có thể buộc phải di dời, chặt hạ, cắt tỉa 1.300 cây xanh.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Gia Hiền Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Hà Nội khóa V, Phó chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội cho biết:
Trước đây khi ông Phạm Quang Nghị còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chủ trương, tất cả những cây cổ thụ trên 50 tuổi sẽ được phía bảo tồn đưa vào danh mục cần được bảo vệ.
Do đó, đối với những công trình của nhà nước cần thiết phải xử lý thì phương án tốt nhất đó là di dời và bảo tồn những cây cổ thụ thì sẽ tốt hơn rất nhiều do với việc chặt bỏ.
''Chúng tôi là những người yêu cây và không bao giờ muốn cây xanh bị chặt bỏ. Thay vì chặt bỏ, chúng ta nên có phương án cắt tỉa tạm thời để phục vụ cho thi công những hạng mục cần thiết.
Những cây đó, chúng ta không chặt ngay mà thực hiện các biện pháp cần thiết hỗ trợ cho việc di dời như đóng bầu xung quanh. Sau 3 - 6 tháng rồi chuyển đi thì cây sẽ sống 100%, còn nếu chuyển ngay từ bây giờ, cây sẽ bị chết'', ông Hiền cảnh báo.
Theo Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Hà Nội khóa V, thành phố nên lắng nghe ý kiến tham vấn của các chuyên gia về cây xanh, kiến trúc, xây dựng trước khi tiến hành chặt hạ, di dời loạt cây xanh để phục vụ thi công cho tuyến đường vành đai 3. Từ đó, lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Ở nước ngoài, họ phải qua rất nhiều bước thẩm định, lên kế hoạch, trưng cầu dân ý trước khi đưa ra phương án hợp lý nhất để chặt hạ hoặc di dời cây xanh. Việt Nam nhiều khi quá tùy tiện, họ thích thì họ làm, không có phương án cụ thể, suy xét lợi hại.
''Có một điều bất hợp lý ở đây là Sở Xây dựng Hà Nội lại quản lý hệ thống cây xanh đô thị, trong khi cơ quan này không chuyên về cây xanh. Đúng ra phải tách ra để Công ty Cây xanh quản lý mới đúng với nhiệm vụ và dễ quy trách nhiệm'', ông Hiền nêu quan điểm.
Từ những lùm xùm xung quanh việc chặt cây trên đường Phạm Văn Đồng, ông Hiền cũng đề cập tới một vấn đề bất cập khác liên quan đến cây xanh đô thị của Thành phố Hà Nội, đó là việc cắt tỉa cây.
''Nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội đang cắt tỉa không hợp lý. Mọi người có thể nhận thấy rằng, Hà Nội chủ yếu cắt những cành ngang, lưng chừng trong khi thân cây vẫn để rất cao, một khi có gió bão chắc chắn sẽ bị đổ.
Bản thân tôi là người trong ngành nên tôi hiểu rất rõ, cách làm như vậy là không đảm bảo kỹ thuật.
Phải chăng do kinh phí cắt ngọn cao quá hay vì lý do nào khác mà Hà Nội không tiến hành? Nên thu nhỏ tán và hạ thấp chiều cao của những cây cổ thụ lại trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân'', vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngược quan điểm Chủ tịch Chung
Trước lùm xùm chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh để thi công tuyến đường vành đai 3, ông Lê Quang Khang - Ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội khóa V, Nhà nghiên cứu Sinh vật cảnh đã tỏ ra rất bức xúc.
'' Đầu tiên là việc chặt hạ hơn 1000 cây xanh ở ngoại thành Hà Nội sau chiến dịch vỉa hè. Và bây giờ là 1.300 cây cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng. Đối với những cây có tuổi đời hàng chục năm như vậy, trồng còn không được tại sao lại chặt bỏ?'', ông Khang đặt câu hỏi.
Hàng xây xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: PLO
Ông Khang nhắc lại việc chặt hàng ngàn cây trên nhiều tuyến đường nhằm thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo vị chuyên gia, chặt trụi cây xong tới giờ vẫn chưa hoàn thành, trong khi hàng ngày người dân vẫn phải lưu thông dưới cái nắng kỷ lục.
Ông Khang cho rằng, trong khi cả thế giới kêu gọi trồng nhiều cây xanh để hướng tới một hành tinh xanh thì chúng ta lại đi ngược lại.
Cây xanh là chiếc máy điều hòa của tự nhiên, nó hấp thụ khí CO2 và nhà ra khí O2, điều này ai cũng hiểu rõ.
''Con tôi định cư ở Úc, nên tôi biết, ở nước ngoài họ không chặt cây tùy tiện như Việt Nam. Chưa nói đến cây cổ thụ, những cây xanh chỉ vài tuổi thôi cũng không được phép chặt bỏ. Thậm chí cây do mình trồng, trong vườn nhà mình cũng không được chặt bỏ, di dời khi chưa được chính quyền thông qua'', ông Khang nhấn mạnh.
Chiều 6/6, phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết:
Sở Xây dựng sẽ yêu cầu khảo sát, kiểm tra từng cây. Đối với những cây thân thẳng, đẹp, đơn vị thi công chắc chắn phải đánh chuyển về vườn ươm ở các công viên.
Sở Xây dựng luôn xác định phương án tối ưu là giữ nguyên, đánh chuyển cây xanh.
Thông tin về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh sẽ được Sở tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia và người dân rồi mới trình lên Hà Nội. Sau đó, Sở thông báo công khai đến người dân.
Nguồn: Hoàng Hải
Báo Đất Việt