Cả nước hiện có gần 1,7 triệu người mù chữ, tập trung nhiều nhất vào độ tuổi trên 36. Trong đó, Hà Nội có gần 235.000 người và TP HCM hơn 90.000 người không biết đọc, viết.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 6, cả nước có hơn 140.000 người trong độ tuổi 15-25 không biết chữ. Ở độ tuổi 25-35, con số này là gần 250.000 người. Tỷ lệ mù chữ nhiều nhất rơi vào độ tuổi trên 36, với gần 1,3 triệu người.
Lớp học xóa mù chữ ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: H.V. |
Với gần 235.000 người, Hà Nội hiện là địa phương có số người mù chữ nhiều nhất nước. Tuy nhiên, riêng Hà Tây cũ đã chiếm tới hơn 220.000 người. Tiếp đến là TP HCM với hơn 90.000 người, Long An hơn 60.000 người. Số người mù chữ tập trung chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...
Sau 3 năm thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập" và phát triển trung tâm học tập cộng đồng, đã có hơn 160.000 người được huy động ra các lớp xóa mù chữ và hơn 120.000 người được tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ. Tuy nhiên, Hà Tây (cũ), Lạng Sơn, Gia Lai... vẫn có số người tái mù chữ cao.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam về tài liệu học tập cộng đồng. Ảnh: Tiến Dũng. |
Tại Hội nghị sơ kết vừa được Bộ GD&ĐT cùng Hội khuyến học Việt Nam tổ chức hôm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các địa phương cần rà soát, thiết kế chương trình học tập cộng đồng theo nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cần rà soát và chuẩn hóa điều kiện về con người, tiền vốn, chương trình học và hệ thống tư liệu học tập.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cho biết, đến năm 2010, các lớp học tập cộng đồng sẽ gần gũi với người học hơn, hình thức và thời gian học tập cũng sẽ linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho mọi người.
Theo Vietnamnet