Phải tính toán cụ thể
Nhiều tờ báo đưa tin ngày 6/6, UBND TP Hà Nội đã gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng về dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Về vấn đề này, ngày 27/6, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất về cách tiếp cận nghiên cứu, đánh giá tổng quan. Tuy nhiên đối với cây xanh, Bộ Xây dựng nhận thấy bản vẽ hiện trạng cây xanh sơ sài.
Theo Bộ Xây dựng, phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí, có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây như vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý.
Bộ Xây dựng yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa. Cây xanh cần thể hiện đường kính, phân cành, màu sắc lá, hoa.
KTS Ngô Doãn Đức, Hội KTS Việt Nam cho rằng việc này cần phải xem xét một cách thận trọng, không thể vội vàng.
Theo ông Đức, hồ Gươm từ lâu nay được biết đến với nhiều loại cây đẹp, quý hiếm, có giá trị lịch sử nhiều năm như: cây lộc vừng, cây phượng, hoa gạo... Tất cả cây cối xung quanh mặt hồ như một bản hòa tấu vào mặt nước, như một lẵng hoa giữa lòng thủ đô. Không chỉ người dân thủ đô mà du khách từ nhiều tỉnh, thành khác cũng về đây chụp ảnh, chiêm ngưỡng cảnh đẹp.
“Cá nhân tôi không ủng hộ việc này. Giờ Hà Nội tính thay thế cây xanh quanh hồ Gươm là thay thế cái gì? Tại sao lại thay thế?
Những ai tác động đến hồ Gươm phải rất thận trọng. Vì đây là những hình ảnh thân quen, gắn liền với người dân lâu năm. Xung quanh đền Ngọc Sơn và dọc bờ Hồ có rất nhiều cây, có những cây nghiêng sát mặt nước rất đẹp.
Ở đây Hà Nội hỏi ý kiến Bộ Xây dựng tôi nghĩ cũng không đúng.
Thực tế Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý không gian văn hóa lịch sử, quản lý nhà nước trực tiếp về hồ Gươm. Còn Bộ Xây dựng là quản lý nhà nước nói chung, không phải quản lý nghệ thuật, không phải đơn vị quản lý cây xanh.
Vấn đề cây xanh làm thế nào cho tốt thì phải hỏi các chuyên gia về lĩnh vực này, chứ không phải các cơ quan nhà nước hỏi ý kiến nhau”, ông Đức khẳng định.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng cây xanh ở hồ Gươm ngoài giá trị về mặt sinh thái, bóng mát còn có giá trị rất lớn về số lượng loài, về lịch sử gắn liền với từng gốc cây, từng loài cây và từng vị trí.
“Cho nên tất cả việc này cần phải được tính toán cụ thể. Cây xanh ở hồ Gươm rất quý. Nó không đơn giản là một cái cây cho bóng mát. Mỗi một cây lại có một lịch sử, có một câu chuyện riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng, thơ mộng cho hồ Gươm”, TS Sinh nói.
Phải xin ý kiến các nhà khoa học và nhân dân
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng cũng tỏ ra bất ngờ khi biết thông tin Hà Nội đang tính phương án thay thế cây xanh quanh hồ Gươm.
Theo ý kiến của ông Đăng, cây xanh ở hồ Gươm chúng ta phải làm công tác bảo tồn là chính chứ không nên tính đến chuyện thay thế, trồng mới.
“Cây xanh có cả lịch sử lâu năm như cây lộc vừng hơn 100 năm, chủ yếu phải bảo tồn chứ làm sao mà thay thế. Nếu thay thế thì phải ý kiến của các nhà khoa học, của chuyên gia cũng như người dân”, ông Đăng khẳng định.
Trong khi đó, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng UBND TP Hà Nội cần bình tĩnh hơn khi chỉnh trang xung quanh hồ Gươm. Thời gian vừa qua thành phố đã tốn nhiều tiền vào việc lát đá, kè bờ tuy nhiên việc này không mang lại nhiều hiệu quả. Thậm chí rác thải xung quanh hồ Gươm vẫn nhiều, gây ra mất mỹ quan.
“Vì sao Hà Nội phải xin ý kiến Bộ Xây dựng mà không xin ý kiến người dân và các chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh. Việc này cần phải được làm nghiêm túc.
Thứ hai, cần giải tỏa các cơ quan quanh hồ Gươm, gương mẫu nhất là các cơ quan nhà nước, trả lại không gian để cộng đồng đến thưởng ngoạn. Và nếu có trồng cây thì nên tính trên những mặt bằng đấy.
Cây đang có xung quanh hồ cần phải bình tĩnh để xem xét. Chỉ khi nào cây bị sâu thì mới thay thế hoặc tìm cách cứu chữa để giữ hình ảnh thân quen của hồ Gươm”, ông Đức nêu quan điểm.
Ngoài ra, KTS Ngô Doãn Đức cũng đề nghị Hà Nội làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc hàng loạt cây xanh mới trồng ở nhiều tuyến phố bị chết khô, thậm chí cây trồng lâu nhưng khi bị đổ do gió bão thì vẫn còn nguyên cả bọc ni lông.
“Hà Nội hãy tự vấn và trả lời việc này. Cần phải xử lý trách nhiệm cá nhân và trả lời công khai để người dân tin tưởng”, ông Đức nhấn mạnh.
Nguồn: Nguyễn Hoàn
Báo Đất Việt