"Trường công đã được bao cấp của nhà nước, nay lại được nâng giá thu tiền cao, được giao cho quyền tự chủ... như vậy có khác nào Sở GDĐT Hà Nội đang mượn trường công để phục vụ mục đích kinh doanh. Như vậy có trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục hay không?".
Theo quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được áp dụng trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non và trung học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2,9 -3 triệu.
Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, trung học được quy định là 3,2-3,4 triệu.
Chỉ thỏa mãn nhu cầu chơi sang của con nhà giàu
Trước thông tin này, GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh bày tỏ lo lắng, ông cho biết đó là một quyết định không đúng của Sở GDĐT và cả TP Hà Nội.
GS Văn Như Cương |
Trong khi lẽ ra trường công phải làm tốt nhiệm vụ của mình và phải tập trung cải cách hệ thống giáo dục đồng đều trong tất cả các trường, để không xảy ra tình trạng đạp đổ cổng trường, xếp hàng từ đêm xin nhập học thì họ lại nghĩ ý tưởng xây dựng mô hình trường tư ngay trong hệ thống trường công để kiếm tiền.
Tất cả chỉ làm cho xã hội rối ren thêm, mục đích cũng chỉ là mở đường cho tiêu cực.
Theo ông, đã là trường công lập thì không nên có cái nhìn phân biệt, đối xử với học sinh như thế. Cùng một hệ thống công lập nhưng học sinh học lớp chất lượng cao thì được đào tạo chất lượng cao còn những học sinh học trường phổ cập thì chất lượng là hạng bét hay sao.
Dù có giải thích vì mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố thì cũng không đến mức nở rộ như vậy. Với kiểu thí điểm 18 trường công lập trong năm nay, và tiến tới là 35 trường chắc chăn không kiếm đâu ra đủ người mà theo học những trường này.
Vì để theo học được trường này, thu nhập trung bình của phụ huynh ít nhất phải từ 15-20 triệu, trong khi đó thu nhập trung bình hiện nay theo đầu người ở Việt Nam là rất thấp.
Hơn nữa, theo giải thích của Sở GDĐT Hà Nội, thu học phí cao thì chất lượng sẽ cao. Chất lượng cao ở đây là Sở muốn nói cao cái gì?
Cái nhìn thấy chỉ là chất lượng dịch vụ cao chứ không phải chất lượng giảng dạy cao. Nghĩa là điều hòa, phòng học... thỏa mãn nhu cầu chơi sang, chơi đẹp của một số đối tượng con nhà giàu, còn chất lượng giảng dạy thì không ai kiểm định được.
Các trường này vẫn dạy theo giáo án, chương trình của Bộ quy định, người thầy, cô vẫn do Bộ giáo dục đào tạo ra, vậy ở đây dạy chất lượng cao có phải là dạy nhiệt tình hơn, dạy học sinh thích học hơn, làm bài tập đầy đủ hơn, tăng số tiết nhiều hơn,...
Rõ ràng, đây là một cuộc đua không sòng phẳng. Thực chất đây sẽ là cuộc đua của giáo viên chất lượng cao và chất lượng. Giáo viên sẽ đua nhau chạy vào đây để mang cái danh chất lượng cao.
GS Cương kể chuyện bát phở kobe 900 nghìn, người giàu ăn cứ tưởng được ăn sang, ăn ngon ăn hẳn thịt bò Mỹ nhưng cuối cùng lại phát hiện thịt bò đó chỉ là đồ giả. Nghĩa là cứ gắn cho nó cái mác kobe để thu bát phở 900 nghìn, cũng giống như gắn mác chất lượng cao cho các trường để nghiễm nhiên được thu 3 triệu mà không ai quản lý, chất lượng không ai kiểm định được.
Ông cho rằng, phải nghiên cứu kỹ, thu hẹp số lượng trường thực hiện. Chỉ nên thí điểm một vài trường.
Trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục
Bà Lê Thị Bích Dung, Hiệu phó Trường phổ thông Newton cũng thẳng thắn cho rằng, Sở GDĐT Hà Nội đang tạo ra một cuộc đua không công bằng.
Theo bà Dung, trường tư thục phải tự bỏ tiền đầu tư, trang bị mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, thiết bị học tập tới xây dựng thương hiệu, đội ngũ giáo viên... nhưng cũng không thu đến cái giá 2,9-3 triệu/tháng.
Sở GDĐT Hà Nội quy định như vậy, thì có khác nào Hà Nội đang kinh doanh ngay trong các trường công lập. Như vậy liệu có trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục không? Hà Nội ra quy định này nhằm mục đích gì?
Bởi bản thân trường công lập đã nhận được sự bao cấp của nhà nước, được đầu tư cơ sở hạ tầng nay lại được tạo điều kiện thu học phí cao. Điều quan trọng, Hiệu trưởng được quyền tự chủ, tự thu, tự sử dụng nguồn kinh phí đó để phục vụ cho nhu cầu chi trả của chính ngôi trường đó mà không phải nộp lại cho bất kỳ ai.
Quy định như vậy liệu có công bằng với các trường ngoài hệ thống công lập?
Bà Dung đặt giả thiết, tất các trường công lập đều trở thành trường chất lượng cao thì sẽ thế nào? Người nghèo sẽ học ở đâu, mục đích vì giáo dục có thật sự vì giáo dục như Bộ GDĐT vẫn tuyên bố.
Rõ ràng mô hình này đã tạo ra tâm lý phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp đối với học sinh ngay trên ghế nhà trường, đó là điều tối kỵ đối với các trường học ở nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam hình như đang lạm dụng quá các danh hiệu. Vì thế chỉ cần gắn được cái mác trường chất lượng cao thì nghiễm nhiên các trường này đã được thu học phí cao và coi đó như bức bình phong cho mình.
Hơn nữa, nói là trường chất lượng cao nhưng hiện nay cũng chưa thấy có một cơ chế nào có thể đánh giá được chất lượng cao là cao ở cái gì. Cái nhìn thấy chỉ là cơ sở vật chất, còn nội dung giảng dạy thì sẽ thế nào? Ai giám sát? Dựa vào tiêu chí nào để đánh giá thì chưa có cơ sở.
Có thể thay đổi chương trình giảng dạy nhưng thay đổi thế nào, nội dung giảng dạy ra sao khi tất cả các trường vẫn đang phải giảng dạy dựa trên chường trình chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Theo Đất Việt.